Có nhiều loại cây được trồng trong nhà để đem đến tài vận, may mắn hay chỉ đơn giản là mang lại một không gian xanh thoáng đãng, mát mẻ cho ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, có những loại cây bạn không nên trồng trong nhà bởi bản thân chúng mang đến phong thủy không tốt hoặc có hại cho sức khỏe gia đình bạn. Để rõ hơn, hãy đọc những thông tin bTaskee cung cấp ngay bên dưới nhé!
I. Những loại cây không nên trồng trong nhà vì mang đến phong thủy không tốt
1. Cây Liễu – loại cây báo hiệu điềm gỡ trong dân gian
Hình ảnh rũ rượi của những cành Liễu cũng đủ nói lên về sự tích không mấy tốt đẹp của loại cây này. Theo sự truyền miệng của dân gian, cây Liễu mang tính âm, có thể dẫn âm khí vào nhà và mang đến điều xui xẻo, buồn phiền cho gia chủ, tiền tài thì hao tốn – “có ra mà không có vô”.
Đối với những cặp vợ chồng, cây Liễu còn được liên tưởng đến việc hiếm muộn hoặc ảnh hưởng đến đường con cái, vì bản thân loại cây này chỉ có hoa mà không có quả. Chính vì những điều trên, Liễu là loại cây được khuyến khích hàng đầu là không nên trồng trong nhà (sân vườn).
2. Cây Dương – loại cây dẫn dụ ma quỷ, người cõi âm vào nhà
Dương là loại cây được trồng phổ biến dọc các bờ biển để chắn gió, cát. Nhưng nếu trước nhà hoặc trong sân vườn bạn có loại cây này thì bạn nên cân nhắc đến việc chặt bỏ hoặc dời đi xa. Cùng họ với liễu, Dương được tương truyền là loại cây dễ dẫn dụ ma quỷ, người cõi âm vào nhà vì tiếng lá cây nghe như tiếng vỗ tay của ai đó, khá ghê rợn. Bên cạnh đó, vẻ ngoài xơ xác trầm buồn của loại cây này được cho là cản dương khí vào nhà, mang đến vận mệnh không tốt cho gia chủ.
3. Cây Bách – loại cây được trồng phổ biến bên cạnh bia mộ người chết
Vốn đây là loài cây mang đến sự trường cửu, tốt lành. Nhưng vì thường được trồng gần bia mộ của người chết để tỏ lòng thương tiếc, lưu luyến, nên Bách là loại cây không nên trồng trong nhà để đảm bảo phong thủy, sức khỏe và tài vận cho gia chủ.
Đồng thời hương thơm của hai loại cây này thường gây cảm giác thèm ăn, kích thích dạ dày, khiến phụ nữ có thai cảm thấy khó chịu, chóng mặt buồn nôn thường xuyên.
4. Cây Dâu – đem đến điều tang thương cho gia chủ
Nhiều gia đình vẫn thường trồng cây Dâu (tằm) hoặc để cây mọc dại trước nhà, trong vườn. Nhưng ít ai biết được rằng, xét theo tên gọi Hán – Việt từ Dâu có nghĩa là “tang” trong tang thương, tang lễ, mang ý nghĩa xấu, điều không tốt lành cho gia đình bạn. Vì thế khi trồng loại cây này bạn nên cân nhắc kỹ mặc dù theo nhiều quan niệm phong thủy chúng có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ.
5. Cây Hòe – trồng sau nhà cản trở đường công danh, sự nghiệp
Hòe là loại cây gắn liền với quan lộc, tượng trưng cho điều may mắn, đỗ đạt, đem lại phúc lộc dồi dào cho gia chủ. Nhưng nếu lỡ không biết mà trồng loại này sau nhà thì coi như “bằng không”, gia chủ sẽ không ngóc đầu lên nổi. Nếu cây Hòe mọc sai vị trí, tốt nhất là bạn nên dời cây đến trước nhà để “mọi sự đều thuận lợi”.
II. Những loại cây không nên trồng trong nhà vì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe
Có nhiều loại cây cảnh sẽ hỗ trợ tốt sức khỏe nếu được trồng trong nhà, nhưng cũng có nhiều loại đem đến tác hại khôn lường nếu như bạn không có kiến thức về chúng và vô tình trồng trong nhà (đặc biệt là khi có trẻ nhỏ). Sau đây cùng điểm qua một số loại cây gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhé.
1. Cây Mã Tiền – có quả trông giống quả cam nhưng độc
Mã Tiền là loại cây không nên trồng trong nhà, đặc biệt là khi có trẻ nhỏ vì quả mã tiền có hình dáng trông rất giống quả cam nhưng lại có tính độc cực mạnh với chất alcaloid. Nếu không biết là lỡ ăn nhầm thì sẽ bị co quắp, tê liệt toàn thân và suy hô hấp, ngạt thở dẫn đến tử vong. Nếu trót có loại cây này mọc trong sân vườn thì bạn nên phá bỏ để tránh tác hại không đáng có về sau.
2. Vạn Niên Thanh – chất nhựa gây ngứa, ngộ độc khi ăn phải
Vạn Niên Thanh hay còn gọi là cây Minh Ti có hình dáng đẹp, màu xanh bắt mắt nên được nhiều người ưa chuộng trồng trong nhà để làm cảnh. Tuy nhiên, bạn phải vô cùng cẩn thận khi chạm vào, di chuyển hay chăm sóc vì tất cả các bộ phận của chúng đều có độc.
Nhựa cây Minh Ti gây ngứa, nếu chẳng may dính vào mắt thì sẽ rất khó chịu, ảnh hưởng không tốt đến giác mạc, còn nếu ăn phải thì bị tê môi, ngứa họng, đỏ lưỡi,… Điều này trở thành vấn đề lớn khi con bạn chạm phải hay ăn trúng (bị ngộ độc). Cách sơ cứu đối với trường hợp trẻ bị dính nhựa của cây là hơ nóng (ấm) vùng da bị ngứa, không nên gãi để độc tố lan rộng. Nếu ăn phải nhựa của cây hoặc dính vào mắt thì nên súc miệng, rửa sạch bằng nước ấm rồi hơ lại bằng mấy sáy tóc.
3. Trúc Đào – dù đẹp nhưng phải cẩn thận
Đừng để vẻ ngoài của loại cây này đánh lừa vì toàn thân Trúc Đào đều có chất cực độc là Oleandrin và Neriin. Nhiều người có thể bị ngộ độc dù chỉ mới chạm vào cây hoặc nuốt phải, nhẹ thì buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, các trường hợp nặng có thể kể đến là mất kiểm soát cơ thể, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Dù có có vẻ ngoài yêu kiều, bắt mắt nhưng Trúc Đào vẫn được liệt vào danh sách những loại cây không nên trồng trong nhà. Thậm chí khi bạn phơi khô hoặc nấu chín, độc tính của loại cây này cũng không hề mất đi. Nếu thấy Trúc Đào mọc bên cạnh nguồn nước nhà bạn (giếng ăn, bể nước…) thì nên bứng bỏ để tránh tình trạng ngộ độc cho cả gia đình. Mặc dù là loại cây không mấy tốt lành khi trồng trong nhà nhưng ta vẫn có thể bắt gặp vẻ đẹp của hoa Trúc Đào ở nhiều tuyến phố, vườn hoa nơi công cộng.
4. Cây môn trường sinh – cây câm điếc
Môn Trường Sinh là loại cây cảnh được trồng nhiều bởi màu xanh tươi mát xen lẫn những mảng trắng bắt mắt. Nhưng ít ai biết được hoa và lá của cây trường sinh đốm có chứa 2 loại độc tố rất mạnh là axit oxalic và asparagine, nếu không may tiếp xúc với hai chất này trong nhựa cây sẽ bị ngứa.
Độc nhất là quả, khi ăn phải sẽ dẫn đến tình trạng sưng yết hầu, khoang miệng, gây tổn thương trực tiếp đến dây thanh quản, nặng nhất là nguy hiểm đến tính mạng (nhất là trẻ nhỏ – khi vô tình tiếp xúc với cây). Chính vì vậy, loại cây này nên được liệt vào hàng ngũ những loại cây không nên trồng trong nhà, tránh những ảnh hưởng đáng tiếc đến sức khỏe.
5. Một số loại hoa sặc sỡ – đừng bị vẻ bề ngoài đánh lừa
Đỗ Quyên: Cây có hai loại chất độc là Andromedotoxin và Arbutin glucoside, người bị ngộ độc thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Đặc biệt, loại hoa này nên được trưng bày ngoài tầm tay của trẻ em, một lượng 100 – 225 gram lá Đỗ Quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho một đứa trẻ 25kg.
Thiên điểu: Thiên điều có hình dạng giống loài chim điểu và có màu sắc sặc sỡ nhưng bạn nên cẩn thận vì trong chúng có chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc với hoa lâu hoặc ăn hạt, hoa sẽ khiến bạn ngay lập tức nôn thốc nôn tháo, tiêu chảy, chóng mặt.
Xương rồng bát tiên: Đây cũng là một loài hoa đẹp được trồng khá phổ biến trong nhà, tuy nhiên nhựa của nó có thể gây bỏng rát da khi tiếp xúc.
Anh Thảo: Có chất độc Alkaloids gây khó tiêu, tiêu chảy, ói mửa.
Cẩm Tú Cầu: Lá và củ cây có chứa chất Hydragin – cyanogenic glycoside gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp nếu hít phải trong thời gian dài.
Trưng bày các loại hoa trên sẽ khiến nhà bạn trở nên bừng sức sống và màu sắc hơn. Nhưng giữa chuyện sức khỏe (đặc biệt là khi nhà có trẻ nhỏ) và chuyện trang trí thì lời khuyên chúng tôi dành cho bạn là không nên trồng các loại hoa trên trong nhà. Còn nếu thật sự muốn ngắm nhìn, bạn chỉ nên trồng trong sân vườn rộng, thoáng đãng và không để trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với chúng.
Trên đây là những chia sẻ của bTaskee dành cho bạn về những loại cây không nên trồng trong nhà xét theo cả khía cạnh phong thủy và sức khỏe. Hi vọng bạn sẽ có được đầy đủ thông tin cần thiết để trang hoàng một không gian xanh “an toàn” cho ngôi nhà của mình.