Không giống như đại đa số sinh viên Việt Nam xem mùa hè là mùa “xõa”, mùa nghỉ ngơi, thư giãn, về nhà hoặc đi du lịch thì sinh viên nước ngoài lại tranh thủ đi làm vào mùa hè. Sinh viên nước ngoài khi đi học đại học chỉ được gia đình chu cấp học phí còn những chi phí sinh hoạt khác họ phải tự lo nên đi làm thêm là công việc không hề xa lạ với nhiều bạn ngay từ năm đầu đại học.
Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây và Châu Âu có quy định rất nghiêm ngặt về thời gian làm thêm nên thường sinh viên chỉ được làm tối đa 20 giờ/tuần trong cả kì học và 40 giờ/tuần vào các kì nghỉ. Điều này đòi hỏi các bạn sinh viên phải tìm được 1 công việc có mức lương tương đối để có thể chi trả những khoản chi tiêu cá nhân của mình trong suốt những năm học Đại học.
1. Luôn tự hào khi đi làm thêm
Độc lập tài chính ngay từ khi còn trẻ là lối sống, lối suy nghĩ của đại đa số các bạn trẻ nước ngoài. Ngay từ nhỏ, họ đã được bố mẹ giáo dục về việc quản lý, tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua sắm những món đồ cá nhân. Lớn hơn một chút, khi bước vào cấp 3, họ đã bắt đầu đi làm thêm và tự kiếm tiền để chi trả cho các sinh hoạt cá nhân. Chính vì vậy, trong suy nghĩ của các bạn học sinh, sinh viên nước ngoài, đi làm thêm là chuyện hết sức bình thường và là 1 phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Đối với cả du học sinh và cả sinh viên bản xứ, việc chỉ đi học và không đi làm thêm là 1 điều gì đó khá xấu hổ vì tất cả sinh viên nước ngoài đều tự hào về công việc làm thêm của mình. Mặc dù còn trẻ nhưng họ cực kỳ chuyên nghiệp trong công việc và xem đó là kinh nghiệm xã hội để họ không bỡ ngỡ khi tốt nghiệp và đi làm.
2. Xem giúp việc nhà là việc làm thêm không thể bình thường hơn
Ở các gia đình Mỹ giàu có và có điều kiện thì có một người giúp việc trong nhà là không điều thể thiếu. Nhưng vài năm trở đây, lạm phát cùng với việc vật giá leo thang khiến cho nhiều gia đình Mỹ chuyển sang tìm kiếm người giúp việc theo giờ và sinh viên là đối tượng phù hợp nhất.
Trò chuyện với David – một giáo viên dạy tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ D.M, tôi được biết trước khi tốt nghiệp và sang Việt Nam làm việc, David có 4 năm làm nghề giúp việc nhà cho 1 gia đình người Mỹ tại Nam California. Theo lời David, việc con trai như anh làm giúp việc nhà là không hiếm, nói là việc nhà nhưng công việc chủ yếu của David là dọn dẹp hồ bơi, tỉa cây và cắt cỏ trong vườn. Cùng làm với anh còn có 1 cô sinh viên tên Rucia, công việc của cô gái lại chủ yếu là dọn dẹp, hút bụi, giặt giũ và giữ cho ngôi nhà sạch đẹp. Mỗi tuần 3 buổi, David và Rucia sẽ sắp xếp thời gian rảnh đến nhà chủ và làm việc, trung bình cả 2 sẽ làm khoảng 2 giờ để hoàn thành xong công việc. Mỗi tuần, David sẽ nhận được 50 – 60 USD cho 6 giờ làm việc.
Giống như David, rất đông bạn bè của anh cũng chọn công việc này để đi làm thêm trong suốt cả mùa hè vì thu nhập mà nó đem lại. Đối với các bạn sinh viên nước ngoài, giúp việc nhà là một công việc làm thêm nhẹ nhàng, thoải mái về thời gian hơn hầu hết các công việc bưng bê, phục vụ hoặc phụ bếp. Những công việc nhà đa phần đều khá vừa sức chỉ đòi hỏi sự kỹ càng và sạch sẽ là được.
Giúp việc nhà là việc làm thêm “ăn nên làm ra” nhưng để tìm được công việc giúp việc nhà lại không dễ. Các bạn sinh viên thường liên hệ với chủ nhà qua lời giới thiệu hoặc mẫu tin được dán ở khu vực nhà họ. Nếu bạn làm tốt, chủ nhà sẽ để bạn tiếp tục làm việc vào những mùa sau hoặc ngay trong cả học kỳ nếu bạn có thể sắp xếp ổn thỏa thời gian.
Dù gia đình có điều kiện hay không, các bạn sinh viên nước ngoài đều tự tìm cho mình 1 công việc làm thêm, không chỉ để kiếm tiền mà cái các bạn hướng đến là kinh nghiệm thực tiễn mà công việc mang lại cho các bạn. Nếu may mắn, các bạn sẽ tìm được cho mình 1 công việc part-time đúng với chuyên ngành mà các bạn đang theo học, học hỏi thêm được rất nhiều kỹ năng làm việc cho công việc sắp tới.
Bài đọc thêm
Những sai lầm đang “gặm nhấm” thời sinh viên của bạn
Cập nhật ngay top 5 việc làm thêm hot nhất 2018