Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa có mùa hè nóng ẩm – điều kiện thuận lợi để bùng phát những bệnh mùa hè, đặc biệt là trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Trước nguy cơ trẻ nhỏ đối mặt với các bệnh mùa hè, “bác sĩ” bTaskee sẽ chia sẻ những biện pháp phòng bệnh mùa hè để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ.
1. Đảm bảo toàn thực phẩm
Để phòng bệnh mùa hè, cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng có uy tín, lưu ý hạn sử dụng của thực phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Có như vậy, những căn bệnh mùa hè như tiêu chảy, viêm não Nhật Bản, virut đường ruột,… mới không thể thâm nhập vào gia đình bạn nói chung và trẻ nhỏ nói riêng.
2. Giữ gìn vệ sinh thân thể
Tắm gội sạch sẽ hằng ngày cho trẻ, thay quần áo cho trẻ mỗi khi bị ướt hay ra nhiều mồ hôi để tránh ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứ đọng, tránh cảm lạnh, tróc lở, nhiễm nấm. Nếu trẻ bị ngứa do rôm (sảy), không cho trẻ tự ý gãi hay “giết” rôm để tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng da. Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn hay đi nằm sau khi tắm xong. Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên những vùng da kín, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm các bệnh ngoài da.
3. Diệt muỗi, bọ gậy
Diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) là biện pháp phòng bệnh mùa hè tích cực và hiệu quả nhất. Để loại trừ nơi muỗi, bọ gậy sinh sản, trú ngụ, cần khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh khu cư trú. Đồng thời, loại bỏ những vật dụng ẩm ướt như thùng chứa nước tưới, gáo dừa, mảnh vỡ chai lọ bát đĩa, ly, chén, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, mảnh ni-lông… đọng nước mưa, đậy kín chum, vại, bể chứa, cọ rửa các đồ chứa nước hàng tuần để loại bỏ trứng muỗi, thả cá cờ để diệt bọ gậy, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát để muỗi không còn chỗ đậu. Với trẻ nhỏ, cần tránh muỗi đốt bằng cách xua muỗi, đốt hương trừ muỗi, xoa thuốc chống muỗi lên những phần da hở, cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay, không để trẻ chơi ở ngoài trời khi xẩm tối, không để trẻ ở trần hay chơi ở những góc xó xỉnh, tối tăm, ẩm thấp, mắc màn khi trẻ ngủ kể cả những giấc ngủ ban ngày nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
4. Tiêm phòng cho trẻ theo quy định của Bộ Y tế
Y học ngày càng phát triển, hiện nay, một số bệnh mùa hè ở trẻ em đã có vắc xin phòng bệnh. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trong tiêm chủng dịch vụ ở các cơ sở y tế, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm các loại vắc xin để chủ động tạo hệ miễn dịch, phòng bệnh cho trẻ. Đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng các bệnh mùa hè. Khi đưa trẻ đi tiêm phòng, cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ các liệu trình.
5. Uống nhiều nước
Thời tiết nắng nóng mùa hè khiến mồ hôi tiết ra nhiều làm cơ thể mất đi lượng lớn nước khiến cơ thể trẻ suy nhược, dễ trở thành đối tượng tấn công của những bệnh mùa hè. Không muốn trẻ bị như vậy, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước trong mùa hè, hạn chế cho trẻ sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là nước có gas để cơ thể trẻ có thể vận chuyển các chất dinh dưỡng, dễ dàng phục vụ những hoạt động của cơ thể mà chủ yếu là xua đuổi những căn bệnh mùa hè nguy hiểm.
6. Lưu ý khi sử dụng quạt, điều hòa
Chỉ nên để điều hòa ở nhiệt độ 27 – 28 độ C, không để điều hòa quá thấp bởi chênh lệch nhiệt độ lớn so với môi trường bên ngoài sẽ gây sốc nhiệt. Khi ở trong phòng điều hòa, không nên để trẻ chạy ra – vào phòng liên tục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh mùa hè. Nếu có ý định ra ngoài phòng lạnh nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng để cơ thể có thời gian thích nghi với không khí nóng nực bên ngoài. Tùy theo độ tuổi của trẻ mà cha mẹ bật quạt số to hay nhỏ. Cần lưu ý, với trẻ sơ sinh, không nên để quạt quá gần (cách 2m trở lên và để số nhỏ nhất) và tuyệt đối không để quạt thẳng vào mặt trẻ.
7. Phòng ngừa say nắng và say nóng
Nắng nóng, nhiệt độ cao, trời oi bức, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ ra ngoài, nếu phải ra ngoài trời, phải đảm trẻ đã được mặc áo quần che kín da và đội nón rộng vành che phủ vùng cổ, gáy. Tuyệt đối không cho trẻ đi bơi, tắm biển, sông, suối vào lúc còn nắng gắt bởi điều đó sẽ khiến trẻ choáng váng, tê nửa người, buồn nôn, tim đập nhanh, tạo cơ hội cho những căn bệnh mùa hè nguy hiểm đến tính mạng tấn công.
Nằm lòng những lời khuyên từ bTaskee, bạn đã tạo nên một tấm khiên vững chắc bảo vệ sức khỏe trẻ em khỏi những căn bệnh mùa hè đang không ngừng bùng phát giữa thời tiết nắng nóng. Hãy áp dụng ngay những biện pháp phòng bệnh mùa hè hữu ích này để trẻ luôn phát triển an toàn và khỏe mạnh trong mùa hè này nhé!
Bài đọc thêm
6 lưu ý giúp chọn quần áo trẻ em an toàn
Vệ sinh máy lạnh để phòng tránh bệnh cho gia đình