việc làm thêm

Được gì mất gì khi sinh viên làm những việc làm thêm phổ biến hiện nay

Đi làm thêm thời sinh viên để kiếm thêm thu nhập, có thêm kinh nghiệm sống hoặc đơn giản chỉ để “đốt” đi thời gian rảnh không biết làm gì… là rất nhiều câu trả lời được các bạn sinh viên đưa ra khi được hỏi về lý do đi làm thêm. Các công việc các bạn hay chọn làm thường là gia sư, phục vụ quán ăn, quán cà phê, trà sữa, nhân viên tiếp thị… một phần vì công việc tương đối nhẹ nhàng một phần vì công việc phù hợp với thời gian rảnh.

Tuy nhiên, làm thêm có lợi hay có hại lại là vấn đề khiến nhiều người người tranh cãi. Một số người cho rằng nên để thời gian rảnh rỗi đó để đọc sách, học, trau dồi thêm kiến thức nhưng số khác lại cho rằng việc đi làm, tiếp xúc với xã hội cũng quan trọng không kém việc học, chỉ cần chọn đúng công việc có thể học hỏi thêm kinh nghiệm cho nghề nghiệp tương lai là được. Với hai luồng trái chiều như trên, cùng bTaskee tìm hiểu xem những việc làm thêm sinh viên phổ biến hiện nay có ưu – nhược điểm thế nào nhé!

1. Gia sư

Gia sư luôn là ứng cử viên số 1 trong danh sách các việc làm thêm sinh viên vì chưa bao giờ việc làm thêm này hết “hot”. Làm gia sư không đòi hỏi nhiều thời gian, một ngày chỉ phải tốn tầm 2 – 3 giờ làm việc nhưng lại có thu nhập khá tốt. Công việc này không đòi hỏi nhiều công sức vì đa phần các môn các bạn sinh viên dạy đều là thế mạnh của các bạn, lại là những kiến thức đã từng học qua nên chỉ cần xem lại là đa phần có thể dạy tốt được. Tiếp xúc với các em nhỏ, phải hướng dẫn các em làm bài, học bài giúp sinh viên rèn luyện được tính kiên nhẫn và cẩn thận mà không mấy sinh viên có được trong độ tuổi này.

việc làm thêm
Gia sư là công việc không phải ai cũng làm được (Ảnh: blog bTaskee)

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, gia sư là một nghề rất kén người làm vì không phải ai cũng có khả năng truyền đạt tốt kiến thức mình có cho người khác, vả lại hiện nay yêu cầu của phụ huynh về trình độ, bằng cấp của gia sư ngày càng cao nên cũng không nhiều bạn đáp ứng được. Một điểm hạn chế nữa của việc làm thêm này là vì làm việc trong môi trường khép kín nên sinh viên ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, việc giao tiếp chỉ gói gọn với học sinh và phụ huynh nên hầu như không được va chạm nhiều.

2. Phục vụ

Nhân viên phục vụ tiệc cưới, quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng… là công việc làm thêm sinh viên phổ biến hiện nay được các bạn sinh viên chọn làm vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên là vì lúc nào các cửa hàng, nhà hàng tiệc cưới cũng có nhu cầu tuyển nhân viên phục vụ vì ít ai  chọn gắn bó lâu dài với công việc này. Tiếp theo, loại công việc này thường được chia theo ca nên dễ dàng cho sinh viên trong việc sắp xếp thời gian sao cho phù hợp, lại dễ xin, không đòi hỏi kiến thức nhiều.

việc làm thêm
Làm phục vụ rất gò bó về mặt thời gian vì phải làm xoay ca liên tục (Ảnh: zing)

Nhưng sau làm công việc phục vụ, đa phần các bạn sinh viên đều nhận thấy công việc này không hề dễ dàng như ban đầu các bạn vẫn tưởng. Dù là phục vụ ở đâu thì khối lượng công việc, lượng khách phục vụ  mà các bạn phải làm đều rất lớn. Chỉ cần một chút bất cẩn trong khâu bưng bê, dọn dẹp cũng có thể làm bể ly, chén chưa kể còn ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng và rất dễ bị đánh giá thấp nếu bị phạm lỗi. Tuy nói làm việc theo ca nhưng mỗi ca làm việc đều kéo dài từ 5 – 6 giờ, nhiều ca khi xong cũng phải 10, 11 giờ đêm, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học và nghỉ ngơi của các bạn.

3. Nhân viên tiếp thị tại chỗ

Nhân viên tiếp thị sản phẩm (PG, PB) tuy là việc làm thêm sinh viên nhưng khá kén người vì đòi hỏi yếu tố ngoại hình cao. Công việc này kiếm được khá nhiều tiền, chỉ cần tham gia làm PG, PB khoảng 2, 3 giờ các bạn sinh viên dễ dàng kiếm được vài trăm nghìn. Làm nhân viên tiếp thị, tiếp xúc với nhiều sản phẩm, nhiều khách hàng từ bình dân đến cao cấp cho phép các bạn học được kha khá kỹ năng giao tiếp cũng như nắm bắt tâm lý khách hàng. Điều này vô cùng cần thiết khi các bạn đi làm và hẳn nhiên sẽ trở thành ưu điểm vượt trội so với những người khác.

việc làm thêm
Làm PG bạn rất dễ “sa lầy” vì nghề này rất nhiều cám dỗ (Ảnh: zing)

Nhưng công việc này đặc biệt nhiều cám dỗ, nhất là đối với các bạn nữ có ngoại hình xinh xắn và cả tin. Kiếm tiền bằng công việc này rất dễ dàng, vài ngày làm việc có thể kiếm được một số tiền lớn, bằng cả tháng lương của công việc làm thêm khác nên nhiều bạn sa đà vào công việc mà quên mất nhiệm vụ chính của mình là đi học. Chưa kể, nếu làm PG cho những nhãn hiệu lớn, việc trang điểm đậm và kỹ, mặc trang phục ngắn là điều nhiều lúc không thể tránh khỏi. Kiếm được quá nhiều tiền cộng với công việc khá thoải mái và có phần nhạy cảm nên nếu không tỉnh táo, các bạn rất dễ đánh mất mình.

4. Phát tờ rơi

Lặn lội, đội nắng, mưa tại cái trụ đèn đỏ, ngã ba, ngã tư của các con đường lớn trong thành phố để phát tờ rơi đã không còn là việc quá xa lạ với nhiều bạn sinh viên. Việc này thoạt nhìn khá đơn giản nhưng thật ra là rất cực nhọc và các bạn sinh viên hầu như không học được gì nhiều từ công việc bán thời gian này. Phát được 1000 – 2000 tờ rơi các bạn sẽ nhận từ 100.000 – 200.000 VNĐ hoặc sẽ được trả 30.000 – 80.000/giờ, đây là mức lương tạm ổn và khá phù hợp với các bạn sinh viên vì thời gian tương đối linh hoạt và sẽ nhận được tiền ngay sau khi làm việc.

Phát tờ rơi là công việc không hề dễ như nhiều người lầm tưởng, nó đòi hỏi người làm phải quan sát liên tục và di chuyển nhanh nhẹn, miệng nói, tay đưa vì những đối tượng của họ chỉ dừng đèn đỏ trong 1 giây lát rồi đi ngay. Người ý thức thì sau khi cầm tờ rơi thì nhét vào đâu đó rồi đem về nhà vứt, người vô ý thì liếc qua rồi vứt thẳng xuống đường, các bạn phát tờ rơi lúc này còn phải kiêm thêm công việc dọn rác, nếu không sẽ bị công an, dân phố phạt.

Đứng một chỗ phát đã mệt, di chuyển liên tục trong 1 một khu vực để phát còn mệt hơn, ngoài các sản phẩm thiết yếu như dầu gội, kem đánh răng, dầu ăn… đa phần các sản phẩm còn lại thường không được mọi người đón nhận khi phát tờ rơi. Chưa kể nhiều người còn tỏ ra đề phòng, xua đuổi vì sợ dính phải tiếp thị, đa cấp.

5. Nhân viên bán hàng tại các cửa hàng tiện lợi

Trong vài năm gần đây, các cửa hàng tiện lợi 24 giờ như Family Mart, Circle K, B’s mart… mọc lên hàng loạt kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng ở đây tăng cao. Công việc của các bạn không khó khăn, chủ yếu là sắp xếp, lau dọn, kiểm kê hàng hóa, tính tiền và chế biến thức ăn, đồ uống cho khách khi khách có yêu cầu, công việc đơn giản lương lại tương đối ổn định. Chính vì vậy, bán hàng tại các cửa hàng tiện lợi được coi là việc làm thêm sinh viên được yêu thích.

việc làm thêm
Làm việc tại các cửa hàng tiện lợi bạn phải chấp nhận làm ca đêm từ 2 – 3 đêm/tuần nếu cửa hàng ít nhân viên (Ảnh: blog bTaskee)

Làm rồi mới biết khó là cảm nhận của nhiều bạn sau khi thử công việc phục vụ này, cửa hàng mở 24/24 nên trong 1 tháng các bạn phải làm ca đêm một số ngày tùy theo số lượng nhân viên hiện có mà phân chia. Vừa nghe tưởng dễ nhưng thực chất việc làm ca đêm rất mệt mỏi và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Không ngủ khiến cho cơ thể thiếu ngủ, các cơ quan không hoạt động bình thường được nên chỉ cần làm một thời gian sức khỏe nhiều bạn giảm sút rõ rệt, chưa kể đến việc ảnh hưởng đến việc chính là việc học.

Vẫn biết đi làm thêm là tốt nhưng lựa chọn công việc gì, sắp xếp thời gian như thế nào để cân bằng được giữa việc học và việc làm thêm lại là bài toán không dễ đối với nhiều bạn sinh viên. Tốt nhất, các bạn nên chọn việc làm thêm phù hợp với lịch học, khả năng, sức khỏe của bản thân, không nên vì tiền mà đổ hết thời gian cho công việc.

Bài đọc thêm

Những sai lầm đang “gặm nhấm” thời sinh viên của bạn

Hệ lụy đến từ việc sinh viên dành quá nhiều thời gian làm thêm

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Bài viết liên quan
app-banner-btaskee-vie