Trong số các công việc nhà thì giặt giũ được coi là công việc tốn khá nhiều thời gian kể cả khi đã có sự trợ giúp của máy giặt. Để tiết kiệm thời gian, một số người tìm đến dịch vụ giặt ủi nhưng về lâu về dài thì đây không phải là giải pháp tối ưu đối với các gia đình đông người hoặc có trẻ nhỏ. Chính vì vậy, nhiều gia đình quyết định mua máy sấy quần áo để sau khi giặt có thể sấy khô quần áo 1 lần, không phải tốn thời gian phơi. Ngoài những vấn đề cần quan tâm như các chức năng, thời gian sấy, mức tiêu thụ điện năng… thì việc tìm hiểu về các loại máy sấy quần áo để mua đúng loại phù hợp với nhu cầu gia đình và túi tiền là điều các bạn cần phải quan tâm hàng đầu khi có nhu cầu mua loại thiết bị này.
Thị trường máy sấy quần áo hiện nay chia thành 2 phân cấp sản phẩm là máy sấy giá rẻ và máy sấy quần áo cao cấp. Mỗi loại máy sấy quần áo lại có sự khác biệt rõ ràng về giá cả, cách vận hành và khả năng sấy quần áo.
1. Các loại máy sấy quần áo giá rẻ
Các loại máy sấy quần áo giá rẻ này thường được biết đến với tên gọi “tủ sấy” vì có thiết kế khá giống tủ đựng quần áo. Đây là loại được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì có giá khá mềm, chỉ từ vài trăm nghìn cho đến khoảng hơn 1 triệu là bạn đã có 1 chiếc máy sấy. Loại này thường có thiết kế đơn giản, ở ngoài có 1 lớp vải nilong bao bọc, bên trong có thanh treo quần áo và 1 bộ phận tạo ra khí nóng để sấy quần áo. Các máy sấy này thường hao tốn khá nhiều điện, thời gian sấy lâu hơn và khối lượng sấy ít hơn.
Nếu muốn mua 1 chiếc máy sấy giá rẻ, bạn có thể tham khảo 2 loại dưới đây:
Máy sấy quần áo dạng túi tròn
Có giá chỉ từ 400.000 đến 1,4 triệu VND, đây là loại máy sấy quần áo được người tiêu dùng ưa thích vì giá cả rất rẻ. Loại này cực kỳ nhỏ gọn, gần giống như 1 chiếc giá treo phơi quần áo có thêm hệ thống sấy quần áo. Vừa rẻ lại nhỏ gọn, lại tháo lắp dễ dàng là những ưu điểm của máy sấy quần áo dạng tròn.
Tuy nhiên, dòng máy sấy này lại có nhược điểm là các thanh nhôm phơi đồ thường rỗng ruột nên khá dễ gãy, 1 lần sấy chỉ sấy được 1 lượng nhỏ quần áo (dưới 10 kg).
Máy sấy quần áo dạng tủ
Đúng như tên gọi, loại này là 1 chiếc tủ vải có khả năng sấy quần áo dạng tĩnh với hệ thống sấy đối lưu bên trong giúp quần áo nhanh khô. Đồng thời, dòng máy này còn có bánh xe giúp máy dễ dàng di chuyển trong nhà, khối lượng sấy 1 lần lên đến 15 kg. Tuy nhiên, nhược điểm chung của dòng này là khá tốn điện năng và không an toàn lắm với người dùng.
2. Các loại máy sấy quần áo cao cấp
Ở phân khúc này có 2 loại chính là máy sấy thông hơi và máy sấy ngưng tụ.
Máy sấy thông hơi
Máy sấy thông hơi có giá từ 7 – 10 triệu đồng, là lựa chọn của nhiều gia đình khi cần mua 1 chiếc máy sấy quần áo có thể dùng được lâu dài, tiết kiệm điện an toàn với quần áo. Máy sấy thông hơi sau khi sấy hơi nước sẽ thoát ra qua ống đồng nên phải lắp máy ở những nơi rộng rãi, thoáng gió để thoát hơi nước dễ dàng. Khi dùng máy sấy thông hơi, bạn phải thường xuyên vệ sinh bộ lọc không khí vì nếu không thường xuyên vệ sinh thì bụi bẩn, vải bông từ quần áo bám vào sẽ gây tắc đường ống, nguy hiểm khi dùng.
Máy sấy ngưng tụ
Máy sấy ngưng tụ có thiết kế nhỏ gọn hơn, không tốn nhiều diện tích như máy sấy ngưng tụ nên phù hợp với các gia đình có diện tích nhà nhỏ. Đồng thời, máy sấy ngưng tụ cũng có cơ chế hoạt động khác hẳn với máy sấy thông hơi. Sau khi sấy, hơi nước sẽ được chuyển vào 1 buồng riêng để ngưng tụ thành nước, nước thải này sẽ chảy xuống một thùng chứa. Sau khi máy chạy xong, nhiệm vụ của bạn là phải đổ nước thải này đi.
Tuy nhiên, mức giá của máy sấy ngưng tụ lại cao chót vót, rơi vào khoảng từ 15 đến 20 triệu tùy theo thương hiệu. Mặc dù tốt nhưng loại này lại ít được ưa chuộng vì giá cao, khó khăn khi sửa chữa.
Máy sấy quần áo sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian hong khô quần áo, nhiều máy ở phân cấp cao còn có cả chức năng làm thẳng quần áo nên sẽ tiết kiệm tối đa thời gian. Tuy nhiên, dù là loại máy nào thì việc bạn phải trả thêm 1 khoản chi phí không nhỏ cho tiền điện là điều không tránh khỏi, nên hãy cân nhắc thật kỹ trước khi mua.
Bài đọc thêm
Những điều bạn cần quan tâm khi quyết định mua máy sấy quần áo
Ký hiệu giặt trên quần áo mà bạn cần lưu ý