Khi người phụ nữ mang thai, cơ thể luôn có những biến đổi khác lạ như phù chân, đau lưng dưới, bụng bầu tụt xuống… Những hiện tượng này có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Hay phải chăng thai nhi trong bụng muốn nhắn điều gì với mẹ? Hãy cùng bTaskee giải mã những thay đổi khi mang thai trên cơ thể mẹ bầu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Ốm nghén
Buồn nôn, ói mửa (ốm nghén) là tình trạng gặp phải ở đa số phụ nữ trong 3 tháng đầu nhưng một phần nhỏ sẽ nghén cả thai kỳ, cho đến ngày sinh em bé. Lượng hormone tăng lên sẽ khiến cơ thể mẹ bầu cực kỳ thích hoặc ghét 1 món ăn, mùi vị nào đó. Ốm nghén khiến mẹ bầu ăn không ngon miệng, có cảm giác chán ăn, muốn ói khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, mất sức khi mang thai.
2. Phù chân
Thay đổi khi mang bầu đầu tiên là hiện tượng tê, phù trong quá trình mang thai. Phù chân trong khi mang thai là hiện tượng khá phổ biến, xảy ra chủ yếu do trọng lượng cơ thể tăng lên, gây sức ép lên đôi chân khiến mạch máu ở chân bị chèn ép. Khi bị phù chân các mẹ bầu nên nghỉ ngơi và gác chân lên cao để giảm áp lực cho chân.
3. Đi tiểu nhiều hơn
Khi mang thai ở thời kỳ đầu, tử cung phát triển nhanh để chứa thai nhi nên sẽ ép sát và đẩy bàng quang lên trên, từ đó gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều lần. Tuy nhiên, khi vào giữa tháng thứ 5, 6 thì cơ thể mẹ bầu sẽ trở lại bình thường. Khi sắp đến gần ngày sinh, cơ thể mẹ bầu sẽ cảm thấy buồn tiểu nhiều hơn, nguyên nhân đến từ việc bé quay đầu, nằm sát gần bàng quang của mẹ nên dung tích bàng quang bị thu hẹp, không chứa được nhiều nước tiểu nên mẹ sẽ đi tiểu thường xuyên. Cảm giác buồn tiểu và phải đi liên tục sẽ hơi khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt nhưng đừng vì vậy mà lười uống nước và nhịn tiểu nhé!
4. Đau lưng dưới
Đau lưng khi mang bầu là dấu hiệu hay gặp trên cơ thể mẹ bầu khi mang thai. Tùy theo cơ địa, ăn uống, sinh hoạt của mỗi người mà mức độ đau lưng sẽ khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến đau lưng khi mang thai là do cơ thể mẹ sản sinh ra các loại hormone giúp các dây chằng giãn nở để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Khi dây chằng xương chậu giãn quá nhiều sẽ khiến cho các khớp xương kém liên kết, làm các mẹ bầu đau lưng. Ngoài ra, khi bầu đã lớn, bụng mẹ bầu to hơn nên khi đi mẹ sẽ có xu hướng ngã lưng về phía sau để giữ cơ thể cân bằng, việc này khiến cho cột sống bị bẻ cong, gây đau.
5. Tiêu chảy
Khi mang bầu, các mẹ buộc phải tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn để đủ chất dinh dưỡng nuôi thai nhi, vì thay đổi lượng thức ăn và khẩu phần ăn nên cơ thể mẹ bầu sẽ phản ứng và tiêu chảy là 1 dấu hiệu. Mẹ bầu có thể bị tiêu chảy do uống quá nhiều sữa tươi không tiêu hóa được, ăn quá nhiều chất béo, đồ dầu mỡ hoặc uống quá nhiều nước trái cây… Nhưng các mẹ cũng không cần quá lo lắng vì hầu hết phụ nữ mang thai đều sẽ bị tiêu chảy và thường tiêu chảy sẽ tự hết trong vòng vài ngày. Khi bị tiêu chảy, các mẹ nên ăn cháo loãng, uống nước để bù lại lượng nước đã mất, nếu triệu chứng tiêu chảy không hết mà ngày càng nặng thì nên đưa đi ngay đến bệnh viện để tránh biến chứng.
6. Bụng bầu tụt xuống
Vào 1 tháng trước khi sinh, cơ thể mẹ bầu sẽ có những thay đổi lớn, đặc biệt là việc bụng bầu tụt xuống dưới. Nếu mẹ mang thai dạ trên thì rất dễ nhận biết nhưng nếu mẹ mang thai dạ dưới người ngoài sẽ không dễ nhận ra mà chỉ có mẹ bầu mới cảm nhận được. Mẹ sẽ cảm thấy bụng tụt xuống và nặng ở phần dưới hơn so với các tháng trước đó. Đồng thời, thai nhi lớn sẽ tụt xuống, giảm áp lực cho bàng quang, phổi nên mẹ sẽ dễ thở và ít buồn tiểu hơn. Khi cơ thể mẹ bầu có dấu hiệu bụng tụt xuống mẹ nên chú ý vì đây là dấu hiệu cho việc em bé chuẩn bị chào đời.
7. Ra dịch nhầy âm đạo
Thông thường 1 tuần trước ngày sinh, mẹ sẽ nhận thấy âm đạo tiết nhiều dịch như lòng trắng trứng hoặc dịch lẫn máu hồng. Dấu hiệu này của cơ thể còn được gọi là “máu báo” và khi có dấu hiệu này mẹ nên chuẩn bị tâm lý vào bệnh viện kiểm tra lại thai nhi và chuẩn bị đồ đạc đi sinh.
8. Xuất hiện co cơ tử cung
Gần ngày sinh, mẹ bầu sẽ thấy tử cung xuất hiện các cơn co. Khi co thắt xuất hiện, bụng thai phụ sẽ cứng lên và dễ nhận ra nếu đặt nhẹ bàn tay lên bụng. Các cơn này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.
Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ liên tục thay đổi để thích ứng với việc nuôi dưỡng thai nhi, cho nên các mẹ đừng quá hoảng hốt khi gặp phải những triệu chứng trên. Mẹ bầu nên ăn, ngủ đủ giấc, cố gắng đi lại vận động để cơ thể và em bé khỏe mạnh. Trong thai kỳ, mẹ nên cố gắng giữ sức khỏe để không bị bệnh vì uống thuốc sẽ có ảnh hưởng không tốt đến em bé. Chúc các mẹ nhiều sức khỏe!
Bài đọc thêm
Tiểu đường thai kỳ: căn bệnh bất kì mẹ bầu nào cũng nên lưu ý
Cách phòng tránh dị tật thai nhi các mẹ bầu nên biết