mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ

Mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ mà mẹ nào cũng nên biết

Ngạt sữa là hiện tượng sữa tràn vào đường thở khiến trẻ sơ sinh khó thở, sặc sụa và có thể gây ngừng thở. Tai nạn này rất hay khi bé còn trong giai đoạn trẻ sơ sinh, nếu trẻ không được chữa trị một cách nhanh chóng, kịp thời có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây, bTaskee sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết cũng như mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ để có thể phòng ngừa và xử lý nhanh chóng.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân phổ biến gây ra ngạt sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Ảnh: phapluatdansinh.com)

Nguyên nhân trẻ bị ngạt sữa là do người chăm sóc trẻ để trẻ bú, ăn không đúng tư thế, cho bú quá no, cho trẻ bú khi đang khóc, sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp. Ngoài ra, còn một số trường hợp dẫn đến việc ngạt sữa như do lỗ ở núm vú bình quá to, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ không nuốt kịp, trẻ sơ sinh có thói quen vừa ăn vừa ngủ, miệng ngậm núm vú nhưng không nuốt. Khi thở mạnh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi và gây ngạt sữa. Đặc biệt trẻ từ 3 – 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết hóng chuyện, nếu mẹ vừa cho con bú vừa nói chuyện, trẻ có thể cười, sữa tràn và khí quản và dẫn đến bị ngạt.

Dấu hiệu

Có nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngạt sữa, như: khi trẻ đang bú hoặc sau bú đột ngột ho mạnh, ọc sữa qua mũi, miệng, sặc sụa, tím tái, khóc thét lên, cơ thể có thể mềm nhũn hoặc co cứng thì điều đầu tiên nên nghĩ ngay đến là trẻ bị ngạt sữa.

Sữa tràn ra miệng, mũi, ho mạnh, sặc là những dấu hiệu đầu tiên của ngạt sữa (Ảnh: singlemum.vn)

Cách xử lý khi trẻ bị ngạt sữa

Việc xử lý một cách chính xác và nhanh chóng rất quan trọng khi bé bị ngạt sữa, vì thế khi người nhà phát hiện trẻ bị ngạt sữa, phải thật bình tĩnh và thực hiện theo mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ sau đây:

Đầu tiên bạn phải khẩn trương lấy sữa ra khỏi đường hô hấp, cách nhanh nhất là dùng miệng hút mạnh vào miệng và mũi trẻ. Hút càng nhanh, càng mạnh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản khó rút ra, trẻ sẽ bị tắc thở lâu, khó cứu. Sau đó, hút kỹ những nơi sữa còn đọng lại như họng và mũi.

Khi trẻ bị tắc thở lâu, khả năng cứu chữa càng khó khăn, sau khi hút xong nên kích thích mạnh để trẻ khóc và thở được, sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Nếu phát hiện trẻ sặc, khó thở, tím tái, mẹ nên nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái liên tiếp vào lưng trẻ, ở vị trí giữa hai xương bả vai. Sau đó lật trẻ lại quan sát. Nếu trẻ khóc được, hết tím tái, nhanh chóng chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Vỗ lưng và ấn ngực là những việc cần phải làm để sơ cứu khi trẻ bị ngạt sữa (Ảnh: tuoitre.vn)

Sau khi dùng mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ như trên nhưng trẻ vẫn còn dấu hiệu khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú khoảng 1 đến 2 cm. Lặp lại 5 đến 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục, da hồng hào trở lại.

Đặc biệt khi trẻ có dấu hiệu thở khò khè, dấu hiệu này cho thấy lượng sữa đã gây ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp và có thể dẫn đến bệnh hen suyễn hay các bệnh về hô hấp. Với trường hợp này, người nhà phải nhanh chóng hút hết sữa ra như mẹo cách chữa ngạt sữa cho trẻ đã nói trên, đặt trẻ nằm nghiêm và nhỏ nước muối sinh lý vào một bên mũi cho đến khi thấy nước muối chảy ra ở lỗ bên kia, sau đó đổi bên và làm tương tự. Sau khi trẻ có dấu hiệu thở bình thường hơn, bạn hãy đưa bé đến bệnh viện gần nhất để theo dõi.

Phòng ngừa

Bên cạnh mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ, các bạn cũng nên lưu ý những cách phòng ngừa tránh trẻ bị ngạt sữa như sau: Không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ, không đùa với trẻ khi đang bú, trẻ cười sẽ dễ bị ngạt. Khi cho bú sữa nên bế trẻ cao đầu,  tư thế thoải mái, phải nhớ cho trẻ bú từ từ, không vội vàng, đặc biệt là khi trẻ còn yếu, sinh non tháng. Khi trẻ ho hoặc khóc phải ngừng cho trẻ bú ngay. Nếu thấy sữa mẹ chảy xuống quá nhiều mà trẻ chưa kịp nuốt, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.

Nên để trẻ nằm cao đầu khi cho trẻ bú sữa (Ảnh: tinhhoa.net)

Đối với những trẻ không nuôi bằng sữa mẹ, phải bú bình, cần chú ý đầu núm vú không được quá rộng, tốt nhất chọc 1 đến 2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm. Tư thế khi bú sữa phải hơi nghiêng, không nằm thẳng, bình sữa nên nghiêng khoảng 45 độ. Khi dùng thìa để bón sữa vào miệng trẻ, nên đút từ từ, trẻ nuốt hết mới đút thìa khác.

Đặc biệt, sau khi trẻ đã no, không nên đặt trẻ nằm ngay xuống giường mà nên bồng trẻ lên, tránh tình trạng sặc sữa, trào ngược ra sau khi bú.

Trên đây là những điều mà bTaskee muốn chia sẻ về mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ, cách xử lý và phòng ngừa một trong những tai nạn thường xảy ra khi trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên, đưa trẻ ra phòng y tế gần nhất luôn là điều cần thiết khi con bạn gặp phải vấn đề về sức khỏe. Với những thông tin trên, bTaskee hy vọng sẽ mang lại cho bạn những kiến thức cần biết để có thể mang đến cho con bạn một cuộc sống tốt hơn.

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Bài viết liên quan
app-banner-btaskee-vie