Hầu hết các bậc cha mẹ đều có chung một tâm sự: con cái có lòng tin ở thầy cô, bạn bè hơn tin tưởng cha mẹ. Trẻ luôn ở trong trạng thái tinh thần là yêu mến và kính trọng thầy cô giáo nên thầy cô nói thế nào trẻ nghe thế, bảo làm gì là trẻ làm ngay. Nhưng với lời nói của cha mẹ thì trẻ hay phụng phịu, đôi khi còn bỏ đi không nghe. Bởi vậy mới nói, trẻ em tin tưởng thầy cô, bạn bè hơn tin tưởng cha mẹ là chuyện bình thường. Vậy làm thế nào để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái? Hãy cùng bTaskee tìm hiểu nhé.
1. Làm cho trẻ cảm nhận sự yêu thương và quan tâm của cha mẹ
Các bậc cha mẹ nào mà không yêu thương con mình chứ, vấn đề là cách thể hiện tình yêu thương và trẻ phải cảm nhận được tình yêu đó trong tâm trạng như thế nào. Có bậc cha mẹ vì mong muốn con cái trưởng thành nên áp dụng biện pháp giáo dục rất nghiêm khắc và cho rằng với trẻ “không đánh không thành người”. Kết quả là để lại trong trẻ sự ác cảm sâu sắc, thậm chí còn nảy sinh tâm lí chống đối, thù hận, từ đáy lòng lúc nào cũng thờ ơ lạnh nhạt với cha mẹ.
Có bậc cha mẹ vì quá yêu chiều con nên nói gì cũng nghe, yêu cầu gì cũng đáp ứng. Lâu dần, trong lòng trẻ sẽ coi sự yêu thương của cha mẹ là thứ mà dựa vào mọi yêu cầu của trẻ sẽ được đáp ứng mà không phải tốn chút sức lực nào. Những trẻ như vậy chỉ cần cha mẹ phê bình, mắng mỏ một chút là giận dỗi, hờn trách, không có lòng tin và giữa trẻ và cha mẹ mọc lên một bức tường ngăn cách. bTaskee cho rằng, yêu trẻ cũng là nghệ thuật, càng không nên dùng gậy để dạy con và cũng không nên quá nuông chiều. Không nên thả lỏng trẻ, để trẻ muốn làm gì thì làm, sống chết mặc bay. Khoan dung, chiều chuộng trẻ có mức, không nên quản mà không thúc, lấy phương pháp hướng dẫn, gợi mở là chủ yếu. Làm cho trẻ thấy rằng, sự quản thúc của cha mẹ không phải là để thị uy, mà là mong muốn con học hành tốt hơn, lo lắng cho tương lai của con. Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng cần con cái thấy rằng, cha mẹ cũng là những người con ngoan của ông bà.
2. Cần phải làm một người mà trẻ tin tưởng
Người ta thường nói: gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ là những người thầy đầu tiên của trẻ. Trước mặt trẻ, các bậc cha mẹ phải xây dựng cho mình một phong cách đứng đắn. Có trẻ không tin tưởng vào cha mẹ mình, thường thường là do những lỗi vô lí của các bậc cha mẹ gây nên. Chẳng hạn như: các bậc cha mẹ nói là chủ nhật đưa trẻ đi chơi nhưng trước khi đi lại quên mà không có lí do chính đáng khiến trẻ tin phục. Hoặc trẻ nghe được những câu chuyện phiếm của cha mẹ với đồng nghiệp. Nếu bạn đãi khách không chân thành, không thật thà, trẻ nhìn thấy sẽ ghi vào trong lòng, trẻ thấy kinh ngạc khó hiểu về lời nói không đi đối với việc làm của cha mẹ. Những bậc cha mẹ như vậy rất khó có được sự tin tưởng, tôn trọng của trẻ. Chỉ có nói lời giữ lời, không mắng chửi, đánh đập trẻ, không làm cho trẻ buồn, phải mẫu mực thì mới có sự tin tưởng, kính phục của trẻ.
3. Cần phải tin tưởng con mình, tôn trọng ý kiến của con.
Trẻ từ lứa tuổi nhi đồng cho đến thiếu niên hình thành ngày càng rõ nét khả năng lựa chọn, phán đoán và yêu ghét rõ ràng. Do khả năng nhận thức và kinh nghiệm của trẻ hạn chế nên trẻ hay phán đoán sai lầm, nhưng trẻ cũng có ý kiến của riêng mình cần được các bậc cha mẹ tôn trọng để có thể tạo được lòng tin với con. Nếu trẻ cảm nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của cha mẹ, trẻ sẽ rất vui, trong lòng hưng phấn muốn trao đổi ý kiến của mình với cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ không có lòng tin ở con cái, chỉ sợ con mình mắc sai lầm. Cách nghĩ này của họ không thực tế vì trong quá trình trưởng thành có ai không mắc sai lầm nên các bậc cha mẹ phải nhìn thẳng vào khuyết điểm của con và chấp nhận nó, không nên viện cớ để hạn chế, cản trở quá trình phát triển đó. Mặt khác, tin tưởng một cách chân thành tốt hơn là những lời dặn dò nhu nhược, ba phải. Cha mẹ tin tưởng con cái sẽ khiến con cái có trách nhiệm với việc làm của mình hơn, chủ động hơn trong hành động, cố gắng làm việc để thỏa mãn sự mong chờ của cha mẹ, để làm vui lòng cha mẹ.
Làm một người đáng tin cậy, yêu thương trẻ, tin tưởng trẻ, bạn nhất định sẽ được trẻ tin tưởng, kính trọng, mến phục. bTaskee mong rằng với những chia sẻ trên đây sẽ có thể giúp bạn tạo dựng lòng tin với con cái và có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Bài đọc thêm
Cách nấu cháo ăn dặm cho bé từ 0 – 1 tuổi
Nguyên tắc “vàng” cha mẹ phải nhớ khi cho con bú bình