nang-luong-tich-cuc-khi-lam-viec

8 cách tạo năng lượng tích cực để mỗi ngày đi làm là một ngày vui

Tại sao một số người dù phải giải quyết cả núi việc vẫn lạc quan, yêu đời, còn bạn luôn cảm thấy chán nản trước áp lực của công việc? Thực ra những người lạc quan không khác bạn lắm đâu. Chẳng qua là họ biết cách tạo năng lượng tích cực mỗi ngày để không bị công việc lấn át. Hãy áp dụng những bí quyết sau đây để khiến bản thân trở nên tích cực, từ đó làm việc hiệu quả hơn nhé.  

Xem thêm:

1. Ngủ đủ giấc

Ngủ không đủ giấc không chỉ khiến bạn mệt mỏi, uể oải vào sáng hôm sau mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Tâm trạng không tốt làm bạn không còn hứng khởi với công việc nữa. Kết quả là chất lượng làm việc giảm sút. Bạn cũng mất đi sự tự tin, động lực để làm việc. 

Vậy một cách để bạn lấy lại sự hưng phấn trong công việc chính là ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Giấc ngủ ngon và sâu sẽ khiến bạn cảm thấy thư thái khi thức dậy. Chính sự thư thái, dễ chịu này là nguồn năng lượng tích cực để bạn làm việc tốt nhất vào ngày hôm sau. 

Để ngủ ngon giấc, bạn hãy loại bỏ thói quen dùng điện thoại một khi đã lên giường. Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử có thể gây ức chế melatonin khiến bạn không còn cảm giác buồn ngủ nữa. Thay vì lướt điện thoại hàng giờ trước khi ngủ, hãy đọc sách để thư giãn đầu óc, uống một ly trà hoa cúc, hoặc tắm nước nóng để chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. 

ngu-du-giac-de-nap-nang-luong-tich-cuc-vao-hom-sau
Môt giấc ngủ ngon và sâu sẽ khiến bạn thấy thoải mái hơn vào sáng hôm sau

2. Tạo tinh thần thoải mái trước khi làm việc

Tinh thần ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc của bạn. Tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn giải quyết mọi việc nhanh chóng, hiệu quả. Ngược lại, những lúc tinh thần đi xuống , bạn sẽ dễ chán nản và làm việc trì trệ. Vậy nhưng hầu hết mọi người lại xem nhẹ việc tạo cảm xúc tích cực trước khi bắt đầu làm việc. Kết quả là cả ngày làm việc trong sự chán chường, mệt mỏi.

Thực ra cách tạo tâm lý thoải mái trước khi đến nơi làm việc rất đơn giản. Sau khi ngủ dậy, hãy làm việc mà bạn thích nhất. Nấu một bữa ăn sáng thật ngon, rồi nhâm nhi tách cà phê trong bản nhạc yêu thích. Đi dạo xung quanh khu phố rồi tìm một nơi ngắm bình minh. Dành vài phút tập thiền hay yoga. Quan trọng là bạn phải thấy thật dễ chịu khi làm những điều đó. Đừng ép buộc bản thân phải làm điều mà mình không thích. 

uong-ca-phe-buoi-sang
Thưởng thức một ly cà phê buổi sáng giúp tinh thần thoải mái hơn trước khi làm việc

3. Nói chuyện với người tích cực 

Ông bà ta từng nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu ở gần những người có suy nghĩ tiêu cực thì ít nhiều bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu ở gần những người tích cực, bạn sẽ cảm thấy vui lây và lúc nào cũng tràn trề sức sống. 

Khi cảm thấy chán nản trong công việc, hãy bắt chuyện với những người đồng nghiệp vui tính. Họ sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng bằng những câu chuyện hóm hỉnh của họ. Ngoài ra, khi tiếp xúc nhiều với những người lạc quan, yêu đời, bạn cũng sẽ dần học được cách suy nghĩ tích cực hơn, và luôn mỉm cười trước mọi khó khăn trong cuộc sống. 

tro-chuyen-voi-nhung-nguoi-tich-cuc
Trò chuyện với những người lạc quan, yêu đời khiến bạn giải tỏa căng thẳng trong công việc

4. Sắp xếp bàn làm việc 

Một chiếc bàn làm việc bừa bộn sẽ khiến bạn xuống tinh thần rất nhanh. Chỉ cần nhìn vào mớ hỗn độn trên bàn thôi, bạn đã cảm thấy bực bội, khó chịu. 

Vậy thì một cách nữa để tạo năng lượng tích cực chính là sắp xếp bàn làm việc của mình thật ngăn nắp. Bỏ hết những vụn rác, giấy tờ không cần thiết. Chỉ để lại những thứ bạn sẽ dùng khi làm việc như laptop, một cuốn sổ, vài cây bút. Nếu không nỡ rời xa những thứ linh tinh thì hãy xếp chúng gọn gàng trong những ngăn tủ. Hoặc sắm một cái thùng nhỏ để đựng vào. Nếu là một người thích bày bừa mọi thứ ra trên bàn, ban đầu bạn sẽ cảm thấy khá trống trải. Nhưng dần dần bạn sẽ quen thậm chí là thích việc đó. 

ban-lam-viec-gon-gang
Sắp xếp bàn làm việc ngăn nắp mang đến cho bạn nguồn năng lượng tích cực khi làm việc

5. Tạo mục tiêu thú vị cho công việc

Dù có cố gắng bao nhiêu để tạo một không gian làm việc thoải mái, nhưng nếu không có mục đích rõ ràng, bạn cũng sẽ cảm thấy rất chán nản trong công việc. Sự thật thì việc ngủ đủ giấc, trò chuyện với người tích cực hay sắp xếp bàn làm việc cũng chỉ là yếu tố bên ngoài. Yếu tố bên trong và quan trọng nhất giúp bạn làm việc hiệu quả chính là mục tiêu công việc của bạn. 

Bạn đang làm vì mục đích gì? Mục đích ấy có khiến bạn thấy rạo rực mỗi khi thức dậy và đến văn phòng hay không? Chỉ khi nào bạn trả lời được những câu hỏi đó thì bạn mới thấy công việc mình làm có ý nghĩa. Như vậy, không cần nỗ lực bạn vẫn có sẵn nguồn năng lượng dồi dào để bắt đầu công việc mỗi ngày. 

dat-muc-tieu-theo-ngay
Đặt mục tiêu làm việc theo ngày để tránh xa lầy vào những thứ không quan trọng

6. Giúp đỡ người khác

Hạnh phúc chính là nguồn năng lượng tích cực nhất không chỉ trong cuộc sống mà còn cả trong công việc. Để có hạnh phúc, bạn hãy cho đi nhiều hơn. Mỗi ngày đi làm, hãy tự hỏi mình làm được gì để giúp đỡ người khác? Chào hỏi niềm nở với khách hàng. Cho đi những lời khen ngợi. Làm giúp đồng nghiệp một điều gì đó. Nhưng hãy đảm bảo những điều bạn làm xuất phát từ sự chân thành. Bởi sự giả dối rất dễ nhận biết và thường khiến người khác khó chịu. Chính bạn cũng sẽ cảm thấy không vui khi phải làm việc gì trái với lòng mình, phải không? 

giup-do-dong-nghiep
Giúp đỡ đồng nghiệp cũng khiến bạn cảm thấy phấn khởi hơn khi làm việc

7. Tự thưởng cho bản thân

Nhiều người không thích tán dương bản thân bởi họ nghĩ đó là sự tự cao. Tuy nhiên, tự tán dương mình không phải là tự cao. Mà đó là sự trân trọng những thành tựu mà bản thân đã đạt được. Khi nhận ra giá trị của mình, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, suy nghĩ tích cực hơn. Từ đó có động lực để làm việc hiệu quả hơn. 

Những lúc bạn thấy mình làm tốt điều gì đó, hãy nói thầm với chính mình “Khá lắm. Tiếp tục phát huy nhé”. Sau một ngày làm việc căng thẳng, bạn cũng có thể tự thưởng cho mình bằng nhiều cách. Đi đến quán cà phê bạn ưa thích và chìm đắm trong tiếng nhạc du dương. Đi ăn với bạn bè. Xem một bộ phim mà mình yêu thích. Bạn sẽ cảm thấy hào hứng hơn nhiều trong những thử thách sắp tới nơi công sở.

tan-duong-ban-than-de-lam-viec-hieu-qua-hon
Tự tán dương bản thân giúp bạn tự tin và suy nghĩ tích cực hơn

8. Không mang việc về nhà

Công việc mỗi ngày mỗi nhiều. Chúng ta thường có thói quen mang việc về nhà. Chỉ khi nào giải quyết xong công việc thì chúng ta mới cảm thấy an lòng hả dạ. Điều đó có thật sự là tốt hay chỉ mang đến cho bạn sự căng thẳng? Bạn đã dành cả  ⅓ cuộc đời mình để giải quyết công việc, sao lại còn muốn đem về nhà nữa. 

Hãy sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiêu. Chọn ra 2, 3 việc quan trọng nhất mỗi ngày và tập trung hoàn thành chúng càng sớm càng tốt. Đặt thời gian ngừng cho công việc của mình. Ví dụ thời gian ngừng làm việc của bạn là 5h chiều. Sau 5h chiều, đừng làm gì nữa. Hãy dành thời gian làm việc khác quan trọng hơn. Bạn càng cố làm thì càng khiến mình thêm mệt mỏi mà thôi. Kết quả cũng không như ý được. 

mang-viec-ve-nha-chi-khien-ban-them-ap-luc
Mang việc về nhà chỉ khiến bạn thêm áp lực và căng thẳng

Kết luận

Ngoài những gợi ý trên đây, bạn có thể tìm trên mạng vô số những cách tạo năng lượng tích cực để làm việc hiệu quả hơn. Quan trọng là bạn có thực hiện chúng hay không. Đừng viện cớ “bận” nữa. Cũng đừng chờ đợi thời điểm thích hợp. Hãy chọn ra một cách bạn hào hứng thực hiện nhất và áp dụng ngay hôm nay nhé.

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Bài viết liên quan
app-banner-btaskee-vie