Trầm cảm sau sinh là tình trạng bệnh thường gặp ở khoảng 10 – 20% phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh. Có khá nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh này, một phần vì thiếu hiểu biết, thiếu hỗ trợ từ gia đình, xã hội hoặc có vấn đề về tình cảm gia đình gây ra những áp lực trong tâm lý. Nếu tình trạng này không được chữa trị sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và cũng có thể nguy hiểm cho con.
Dưới đây là một số điều mẹ trẻ cần lưu ý để sớm phát hiện biểu hiện bệnh và các phương pháp điều trị để có thể chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn tâm lý, buồn bã, vô vọng và cảm thấy có lỗi, không gắn kết hoặc không hề muốn chăm sóc, gần gũi con cái sau khi sinh. Thường thì bệnh này có thể bắt đầu bất cứ khi nào trong thai kỳ nhưng đây là thời kì đầu, rất khó nhận biết nên nhiều người không hề lưu ý, biểu hiện rõ ràng nhất trong khoảng 1 năm đầu sau khi sinh, đặc biệt là 3 tuần sau khi sinh.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của mẹ, dễ khiến mẹ cảm thấy buồn bực, gây cho mẹ cảm giác chán ghét con, nếu gia đình có vấn đề thì càng bị tổn thương lớn và khó chữa khỏi.
Dấu hiệu thường gặp của bệnh trầm cảm sau sinh
Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh tương đối dễ nhận biết nếu bạn chú ý, nếu các dấu hiệu dưới đây xảy ra thường xuyên, hầu như ngày nào cũng có thì bạn nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị:
– Cảm thấy buồn chán, tuyệt vọng lo âu
– Rất dễ khóc, dù là chuyện nhỏ cũng rất mau nước mắt
– Mất ngủ thường xuyên, thường thao thức
– Ăn không ngon miệng hoặc ăn rất nhiều, rối loạn về mặt ăn uống
– Rất khó tập trung, hay quên
– Không muốn nói chuyện với mọi người, hay tỏ ra cáu gắt
– Quá lo lắng cho con hoặc không hề quan tâm đến con
– Hay nằm mơ, nhiều lúc sẽ có ảo giác, có thể gây hại đến con
Điều trị trầm cảm sau sinh
Nếu mẹ trẻ mới mắc bệnh thì sự động viên của gia đình, người thân là quan trọng nhất. Khi phát hiện mẹ có nhiều dấu hiệu của bệnh, gia đình cần ở bên quan tâm, chăm sóc, an ủi, cũng nên thường đưa mẹ trẻ ra ngoài để tâm lý được thoải mái, tránh xa những áp lực hay có khi có con nhỏ. Ngoài ra, vai trò của người chồng cũng cực kỳ quan trọng, người chồng nên ở bên, đỡ đần vợ công việc nhà và cả công việc chăm sóc để vợ có thời gian riêng cho bản thân, thả lỏng tâm lý.
Nếu qua một thời gian mà tình trạng bệnh không tiến triển tốt thì nên tìm đến các phương pháp chữa trị khác để có thể điều trị triệt để bệnh:
Tham vấn tâm lý: đây là những cuộc nói chuyện của chuyên gia tâm lý với người bệnh. Qua các cuộc nói chuyện riêng, các chuyên gia sẽ tìm ra lý do tạo áp lực cho mẹ trẻ và có hướng điều trị tâm lý thích hợp. Các bác sĩ tâm lý sẽ động viên các mẹ bị bệnh nên tăng cường vận động, thư giãn, dành thời gian cho các sở thích các nhân…
Điều trị bằng thuốc: đây là cách chữa trị cho các mẹ bị bệnh trầm cảm nặng, có nguy cơ tự làm đau bản thân và con nhỏ. Các thuốc được dùng thường là thuốc đặc trị trầm cảm, chống suy nhược. Thuốc chống trầm cảm thường được bác sĩ kê đơn dựa vào tình trạng bệnh của mẹ, bình thường chỉ uống từ 1 – 3 tuần là có tiến triển tốt, nhưng cũng có trường hợp 8 tuần mới có thể cải thiện.
Đây là căn bệnh khá nguy hiểm đối với mẹ và em bé, đặc biệt là các phụ nữ mới sinh lần đầu. Bị bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý của mẹ và sức khỏe của trẻ. Có nhiều trường hợp, mẹ có thể làm hại con vì những vấn đề mà mình gặp phải. Với những lưu ý trong bài viết này, hy vọng mọi người sẽ có thêm hiểu biết về bệnh trầm cảm sau sinh để có thể phòng tránh và điều trị kịp thời nếu mắc phải.
Bài đọc thêm
Tiểu đường thai kỳ: căn bệnh bất kì mẹ bầu nào cũng nên lưu ý
Bệnh viêm tiểu phế quản và những điều cần biết