Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết và chữa trị

Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh do virut Dengue gây ra, truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti. Bệnh lưu hành quanh năm ở nước ta nhưng dịch thường xảy ra vào cuối mùa hè, vào đầu mùa mưa. Hiện tại không riêng gì các tỉnh lẻ, ở các thành phố lớn dịch bệng cũng đang tăng cao. Vì vậy để mọi người nhận biết bệnh sớm, bTaskee tổng hợp lại các dấu hiệu và cách chữa trị sớm cho người bệnh.

Dấu hiệu nhận biết

SXHD thường mở đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột nhanh chóng đạt tới 39 độ C đến 40 độ C. Cùng với sốt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu (nhất là nhức 2 hốc mắt), đau mỏi các cơ khớp… Sốt liên tục, thường kéo dài 5 – 7 ngày (có một số ít trường hợp có thể sốt tới 8 – 10 ngày).

dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh trong mùa mưa.

Xuất huyết: Đây là triệu chứng giúp chúng ta dễ nhận biết được trên lâm sàng. Xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sốt trở đi. Dấu hiệu xuất huyết rất đa dạng từ dấu hiệu dây thắt dương tính đến xuất huyết dưới da dạng nốt, chấm (đỏ như tôm luộc), xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, nôn ra máu rong kinh…). Đôi khi có thể gặp xuất huyết nội tạng (chảy máu não). Cùng với xuất huyết ở bệnh nhi thường thấy gan to dưới bờ sườn, mềm. Cơ chế chảy máu trong SXHD do 3 yếu tố: giảm tiểu cầu, giãn thành mạch và rối loạn yếu tố đông máu.

Cô đặc máu: Cũng từ ngày thứ 3 sau sốt, thành mạch máu giãn nở (do phức hợp kháng nguyên – kháng thể hình thành) làm cho nước thoát ra khỏi lòng mạch. Nếu đo hematocrit người ta nhận thấy các tế bào máu (hữu hình) với thể tích huyết tương (vô hình) tăng lên dần. Hiện tượng thoát mạch này dẫn đến tình trạng cô đặc máu do giảm thể tích huyết tương và dẫn đến sốc. Sốc nhẹ (sớm) thường thấy trẻ vật vã, huyết áp hạ hoặc kẹt (chênh lệch giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu dưới 20mmHg), chân tay lạnh, đái ít. Nặng hơn người bệnh lơ mơ, mê sảng, huyết áp không đo được, vô niệu.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng trên đây (đủ để chẩn đoán ở cộng đồng), ở các cơ sở y tế người bệnh thường được làm các xét nghiệm máu (số lượng tiểu cầu thường hạ dưới 100 x 109/l). Ở các bệnh viện lớn có thể làm xét nghiệm MAC – ELISA để xác định chẩn đoán.

Chữa trị thế nào?

Trong vụ dịch, mọi trường hợp SXHD đều phải được các y bác sĩ khám bệnh và phân loại để điều trị, đặc biệt cần phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nặng như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, gan to và đặc biệt là tăng hematocrit, giảm nhanh tiểu cầu.

Trong thực tế, SXHD nhẹ chiếm tỷ lệ lớn trong vùng có dịch. Người bệnh SXHD nhẹ có thể điều trị tại nhà, các bậc cha mẹ, người thân cần những chú ý sau đây:

Chỉ hạ sốt khi sốt > 39 độ C, bởi vì sốt là vũ khí của cơ thể chống lại sự nhân lên của virut Dengue. Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol với liều như sau:

+ Trẻ  dưới 1 tuổi: 60mg/1 lần uống.

+ Trẻ 1 đến 3 tuổi: 60mg – 120mg /1 lần uống.

+ Trẻ 6 đến 12 tuổi: 120mg /1 lần uống.

+ Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: 10mg/kg/1 lần uống.

Mỗi ngày uống không quá 4 lần. Không được dùng các thuốc hạ nhiệt nhóm aspirin, aspegic… vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Bù nước bằng đường uống: Oresol là dung dịch có thành phần nước và điện giải thích hợp với SXHD. Tuy nhiên, dịch oresol khó uống (nhất là với bệnh nhi) có thể thay thế bằng nước cháo muối, nước hoa quả…

Điều quan trọng là phải theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, phát hiện các dấu hiệu nặng để kịp thời đưa đến bệnh viện như: sốt quá cao, không uống được do nôn và tiêu chảy, chân tay lạnh, vật vã, kích thích, lơ mơ, đái ít, xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đau bụng…

Nếu người bệnh sốt xuất huyết không được chẩn đoán, điều trị và theo dõi nhất là khi người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo nặng, bệnh sẽ tiến triển nặng đe dọa đến tính mạng như sốc, rối loạn đông máu, xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não người bệnh có thể tử vong.

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
app-banner-btaskee-vie