6 tháng là các mẹ đã có thể cho bé ăn dặm được rồi, nhưng giai đoạn này các mẹ cần chú ý về việc lựa chọn thực phẩm cho con. Không phải thực phẩm nào bổ dưỡng cũng phù hợp cho trẻ. Thường thì sau 1 năm tuổi, trẻ mới bắt đầu ăn được nhiều loại thức ăn hơn. bTaskee sẽ chia sẻ cho các mẹ những thực phẩm không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn, các mẹ nhớ bỏ túi và lưu ý để giúp con phát triển tốt nhé.
Muối
Bạn thường nêm muối vào thức ăn của con để tránh mùi vị nhạt nhẽo, nhưng điều này là không nên. Muối và thực phẩm chứa muối sẽ làm trẻ đầy hơi và mất nước vì thận của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Từ 1 tuổi trở lên, có thể cho muối vào thức ăn của trẻ nhưng không nên sử dụng quá 1g/ngày (theo khuyến cáo của Bộ y tế của Anh).
Đường
Bạn không nên cho đường vào thức ăn của trẻ vì nó không hề chứa chất dinh dưỡng mà còn làm cho bé có cảm giác no, ngang dạ.
Tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ăn bánh ngọt, kẹo, kem… Những thức ăn này sẽ làm trẻ dễ bị sâu răng khi răng chỉ vừa mới nhú mọc. Đồng thời, ăn quá nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ béo phì cho trẻ.
Mật ong
Mật ong có thể gây nhiễm độc Botulism cho trẻ cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây tử vong. Trường hợp này ít xảy ra nhưng bạn cũng tuyệt đối đừng cho con sử dụng mật ong nhé.
Sữa bò
Trong sữa bò chứa rất nhiều đạm, trẻ dưới 12 tháng tuổi không thể nào tiêu hóa được tốt, sẽ dễ dẫn đến tình trạng quá tải của thận. Đồng thời, sữa bò có chứa lượng vitamin và các chất dinh dưỡng quá ít, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ như sữa mẹ.
Đậu phộng
Những món ăn còn nguyên hạt như đậu phộng có thể gây ngạt cho trẻ, bạn nên tránh cho trẻ ăn nếu trẻ chỉ mới dưới 1 tuổi. Bơ đậu phộng thì có thể sử dụng cho trẻ sau 10 tháng tuổi.
Hạnh nhân
Ngay cả khi đã cắt nhỏ thì hạnh nhân cũng có thể gây nghẹt đường thở của trẻ. Đây cũng là thực phẩm có thể gây dị ứng. Vì vậy, cần tránh cho trẻ ăn hạnh nhân ít nhất là đến 2 tuổi, lúc trẻ có thể nhai và nuốt thức ăn đúng cách.
Thịt đóng hộp
Thịt đóng hộp có chất dinh dưỡng rất hạn chế, kim loại của vỏ đồ hộp còn có thể ngấm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, những thực phẩm này chứa rất nhiều muối và phụ gia không thể dùng cho trẻ nhỏ.
Hải sản
Nên tránh cho trẻ sơ sinh ăn các loại hải sản. Các loại cá dễ gây đau bụng và ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Những loại hải sản có vỏ như tôm, sò, ốc, cua… khả năng gây dị ứng rất cao. Bạn chỉ nên tập cho trẻ ăn dần từng loại hải sản sau khi trẻ được 1 tuổi.
Trứng sống
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra khuyến cáo khuyên mọi người không nên ăn trứng khi chưa được làm chín. Đặc biệt đối với trẻ em, ăn trứng sống rất dễ gây ra nhiễm khuẩn, vì vậy muốn cho trẻ ăn trứng bạn phải đảm bảo trứng đã được làm chín thật kỹ.
Trái cây họ cam, chanh
Cả nhà thường tráng miệng bằng trái cây và sẵn tiện cho trẻ ăn chung. Tuy nhiên, bạn nên tránh những loại trái cây họ cam, chanh vì chúng chứa axit, sẽ gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ hoặc làm trẻ xót ruột khó chịu.
Dâu và cà chua
Hai loại quả này cũng tương tự như những trái cây họ cam, chanh, chúng chứa rất nhiều axit làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra dâu và cà chua còn dễ gây kích ứng như nổi sảy, mẩn đỏ.
Một số loại rau
Những loại rau củ như súp lơ, bắp cải, hành tây… có thể gây đầy hơi, khó tiêu hoặc đau bụng cho trẻ nhỏ. Tốt nhất, nên đợi trẻ trên 12 tháng tuổi mới cho trẻ ăn.
Bạn nên nhớ những loại thực phẩm không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn để cẩn thận cho việc chọn lựa thức ăn cho con nhé. Bạn cũng có thể tham khảo những món ăn dặm nhiều bổ dưỡng và thơm ngon cho bé mà bTaskee đã chia sẻ trước đó để có được thực đơn ăn dặm đa dạng hơn. Chúc bé nhà bạn thật khỏe mạnh và mau lớn!