Gần đây, những cơn mưa lớn đã bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Tuy nhiên, tiết trời vẫn không khỏi oi bức do hoạt động mạnh của dải áp cao Tây Thái Bình Dương. Tình trạng mưa nắng thất thường như vậy khiến bạn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và dị ứng. Vậy hãy cùng bTaskee tìm hiểu 5 loại bệnh thường gặp nhất vào mùa mưa và cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của gia đình và bản thân tốt hơn nhé.
Xem thêm:
- Bí quyết chăm sóc sức khỏe mùa mưa đơn giản và hiệu quả
- Bạn đã bảo vệ đôi mắt vào mùa mưa đúng cách chưa?
Bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm hay còn gọi là viêm đường hô hấp cấp, do virus cúm gây ra. Các virus cúm hoạt động rất mạnh mẽ vào thời điểm chuyển đổi từ mùa khô sang mùa mưa. Việc lây nhiễm diễn ra cũng rất nhanh chóng. Chỉ cần tiếp xúc với giọt dịch hắt hơi hay ho từ người bệnh thì bạn có thể đã bị nhiễm cúm.
Triệu chứng của bệnh cảm cúm bao gồm sốt cao trên 38 độ kèm ho, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi. Với cúm mùa thông thường, người có sức đề kháng tốt sẽ tự nhiên khỏi bệnh sau 1-2 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể chuyển biến nặng hơn, thậm chí gây tử vong ở một số người có bệnh nền từ trước được điều trị đúng cách.
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh cảm cúm là ăn nhiều loại thực phẩm có tác dụng giữ ấm cho cơ thể như gừng, rau xanh, hay mật ong. Khi ra đường, hãy giữ khoảng cách với những người có triệu chứng ho, cảm, hắt hơi. Bạn cũng nên thường xuyên rửa tay, đặc biệt từ lúc mới đi từ ngoài vào nhà và trước khi ăn cơm.
Còn nếu bạn đã phòng ngừa đúng cách nhưng vẫn bị cảm thì chỉ còn cách nghỉ ngơi, uống nước đầy đủ, và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để nhanh chóng khỏi bệnh.
Bệnh dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết là cơ chế của hệ miễn dịch chống lại những thay đổi từ môi trường. Khi bị dị ứng, cơ thể sẽ phát ban, nổi mẩn ngứa ở nhiều vị trí trên cơ thế. Phổ biến nhất là ở má, tay, chân, ngực và lưng.
Thường thì bạn chỉ cảm thấy hơi ngứa và đau rát nhẹ ở vùng bị nổi mẩn đỏ. Tuy nhiên, những vết ban kích thước to nhỏ sẽ khiến bạn thiếu tự tin khi ra ngoài. Thậm chí có thể để lại sẹo nếu không được chăm sóc đúng cách.
Để hạn chế dị ứng thời tiết, bạn nên giữ gìn vệ sinh cá nhân thường xuyên. Thay quần áo khi đi từ ngoài vào nhà để mồ hôi không ứ đọng. Khi đi mưa về, hãy rửa tay, chân sạch sẽ để tránh nước mưa gây nhiễm trùng da. Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau củ, và uống đủ nước để giảm độ nhạy cảm của hệ miễn dịch.
Trong trường hợp bị dị ứng, bạn có thể sử dụng kem dưỡng có những thành phần làm dịu da như acid hyaluronic, glycerin, vitamin E; uống một số loại trà chống dị ứng như trà gừng, trà hoa cúc hoặc tắm bằng thảo dược như bạc hà, trầu,… để giảm mẩn ngứa.
Đau xương khớp
Đau xương khớp chỉ việc đau các khớp cổ tay, đốt tay, cổ chân, đầu gối, hông. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nhưng trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc bệnh nếu lười vận động, ngồi quá lâu một chỗ hoặc lao động quá sức.
Bệnh đau khớp thường xảy ra vào mùa mưa. Nguyên nhân là khi tiết trời se lạnh, các cơ và mạch máu sẽ co lại, làm giảm lượng máu đến các khớp.
Để ngăn ngừa đau khớp vào mùa mưa, hãy bổ sung đủ nước cho cơ thể. Bởi nước là thành phần chính của sụn và giúp làm giảm sự ma sát giữa hai đầu xương. Bạn nên ăn các loại thực phẩm tốt cho xương khớp. Điển hình như cá, sườn ống, súp lơ xanh, và quả óc chó. Ngoài ra, việc vận động thường xuyên cũng rất quan trọng. Nếu không thể tập thể dục mỗi ngày, hãy tranh thủ giờ giải lao nơi làm việc để đi dạo. Cũng là một cách giúp xương khớp không bị xơ cứng.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thời phẩm bao gồm các hiện tượng ói mửa, tiêu chảy, mệt mỏi,… sau khi tiêu thụ một hoặc vài loại thực phẩm.
Có 3 nguyên nhân chính khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao vào mùa mưa. Thứ nhất, thời tiết thất thường khiến các vi sinh vật phát triển mạnh và xâm nhập vào thức ăn. Thứ hai, thực phẩm di chuyển trong điều kiện trời mưa cũng dễ bị ôi thiu, ẩm mốc hơn. Cuối cùng, trời mưa khiến rác bị cuốn trôi ra các sông, hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu nguồn nước này được sử dụng trong nấu ăn, sinh hoạt có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Cách tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là vệ sinh khu vực nhà bếp thường xuyên. Tránh ăn những loại thực phẩm bị ôi, thiu. Nên mua thực phẩm ở những cửa hàng rau sạch. Vì các sản phẩm tại đây được trồng ở địa phương, rất tươi và an toàn. Nếu bạn sử dụng nước giếng, hãy đậy kỹ miệng giếng. Đồng thời, quét dọn thường xuyên khu vực xung quanh giếng để đảm bảo nguồn nước sạch nhất cho sinh hoạt của gia đình.
Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết do loại muỗi vằn Aedes aegypti truyền virus Dengue từ người bệnh sang người bình thường. Đặc biệt vào mùa mưa, có nhiều ao tù nước đọng khiến muỗi sinh sôi nhiều hơn, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết cũng cao hơn. Người bị sốt xuất huyết thường có các triệu chứng như sốt cao, phát ban, đau cơ, khớp. Tình trạng nặng gây xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột và có thể gây tử vong.
Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết tương tự cách chống muỗi thông thường. Bạn hãy đậy kín các dụng cụ đựng nước để muỗi không sinh sôi phát triển. Đồng thời giữ cho không gian sống của mình sạch sẽ để muỗi không có nơi trú ngụ. Khi ngủ, bạn nên treo mùng, sức thoa kem chống muỗi, và bật quạt hoặc điều hòa. Nếu nhận thấy các triệu chứng sốt xuất huyết, thì nên đến bệnh viện ngay để được chữa trị.
Kết luận
Thời tiết nắng, mưa thất thường trong những ngày này rất dễ khiến bạn mắc bệnh. Đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đau nhức xương khớp và dị ứng da. Chính vì vậy, hãy học cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn vào thời gian này để phòng bệnh hiệu quả nhé.