mon-an-dam-vi-mien-trung

Thưởng thức mâm cơm gia đình với những món ngon đặc sản miền Trung

Miền Trung được biết đến như một nơi có nền ẩm thực cung đình với nhiều món ngon cùng hương vị cay the, chua chua lạ miệng. Tuy nhiên, không phải món ăn miền Trung nào cũng cần cầu kỳ, phức tạp. Chuyên mục “Hôm nay ăn gì” sẽ giới thiệu cho bạn một thực đơn đặc sản miền Trung ngon miệng mà lại dễ làm. Đưa cả gia đình vi vu miền Trung cùng bTaskee thôi nào!

Thực đơn món ngon miền Trung hôm nay gồm có: 

Món ăn 
  Canh hến nấu chua
  Cá nục kho thơm
  Gỏi mực
  Tráng miệng: Chè đậu ván

Canh hến nấu chua

canh-hen-nau-chua
Món canh hến nấu chua thơm ngon, chua cay đậm vị miền Trung (nguồn: baomoi.com)

Nhắc đến hến là đã nghe phảng phất đâu đây hương vị của miền Trung rồi nhỉ. Và món canh hến nấu chua cũng là một trong những đặc sản miền Trung đấy. Nghe cái tên thôi đã thấy thèm thèm vì hương vị chua chua, cay cay và thơm thơm của hến và thật khó mà cưỡng lại được hương vị của món ngon này đấy. Để nấu được một bát canh chua hến cho gia đình, bạn cần chuẩn bị:   

Nguyên liệu 

STTCác nguyên liệu cần chuẩn bịSố lượng
1   Hến (tươi, vỏ cứng, đóng chặt miệng, còn di chuyển )1 kg
2   Cà chua2 quả 
3   Khế1 quả
4   Dứa (thơm)½ quả 
5   Đậu bắp 7 – 10 trái 
6   Hành tím2 củ 
7   Rau răm, hành lá30 gam
8   Tỏi2 – 3 tép
9   Dầu ăn, đường, muối, hạt nêm, nước mắm1 muỗng cà phê (mỗi loại)

Các bước thực hiện 

Bước 1:

Sơ chế nguyên liệu: 

  • Hến: rửa sạch hến với nước. Tiếp đó ngâm hến trong nước muối loãng, thả vài lát ớt vào nước muối để hến được sạch hơn. Bạn ngâm hến khoảng 2 tiếng, khi hến nhả hết cát ra là được. Rửa hến thật kỹ nhé vì ta sẽ dùng nước luộc hến để nấu nước dùng đấy. 
  • Cà chua: rửa sạch là cắt cà chua thành 4 hoặc 6 phần 
  • Khế: rửa sạch, cắt miếng dày khoảng 0.5 – 1 cm 
  • Dứa (thơm): gọt bỏ vỏ, bỏ lõi và cắt thành từng miếng nhỏ dày khoảng 0.5 cm. 
  • Đậu bắp: rửa sạch đậu bắp, cắt bỏ phần đầu và đuôi rồi cắt khúc dài vừa ăn khoảng 2 cm. 
  • Hành lá, rau răm: cắt bỏ phần gốc, rửa sạch rồi thái mịn.

Bước 2:

Luộc hến: 

  • Cho hến vào luộc trong nước. Nước sôi lên thì chỉnh lửa nhỏ lại. Nêm vào nồi nước một ít muối. 
  • Luộc đến khi con hến mở hết vỏ ra, phần thịt tách rời khỏi phần vỏ là được. 
  • Vớt phần thịt hến cho vào tô riêng, bỏ phần vỏ và giữ lại nước luộc. Nước luộc hến để cho lắng phần vỏ và cặn xuống đáy, lọc lấy phần nước trong. 

Bước 3: 

  • Đặt nồi lên bếp cho nóng và cho dầu ăn vào. Dầu sôi thì cho tỏi và hành tím vào phi cho thơm và vàng đều. Cho tiếp phần thịt hến vào xào cùng. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn. 
  • Hến săn lại thì tắt lửa và cho vào bát. 

Bước 4: 

  • Thêm tí dầu ăn vào nồi, cho ½ lượng cà chua vào xào đều. 
  • Cà chua chín đều thì cho nước luộc hến vào nồi. Thả dứa (thơm) vào nấu cùng. 
  • Nước sôi, cho toàn bộ phần cà chua còn lại, khế và đậu bắp vào nấu cùng. 
  • Nấu khoảng 3 – 5 phút thì cho hến đã xào vào nấu, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. 
  • Tắt bếp, cho hành lá và rau răm vào. Cho canh ra tô và thưởng thức.

Cá nục kho thơm

ca-nuc-kho-thom
Món ngon đặc sản miền Trung – cá nục kho thơm (nguồn: Monngonmoingay.tv)

Nguyên liệu 

STTCác nguyên liệu cần chuẩn bịSố lượng
1   Cá nục (có thể dùng cá thu, cá ngừ)3 – 4 con (khoảng 800g)
2   Cà chua2 quả 
3   Dứa (thơm)½ quả 
4   Ớt2 – 3 trái 
5   Hành tím2 củ 
6   Hành lá3 cây
7   Tỏi2 – 3 tép
8   Gừng 1 củ nhỏ
9   Nước màu2 muỗng cà phê
10   Nước mắm2 muỗng canh
11   Dầu ăn, đường, muối1 muỗng cà phê (mỗi loại)

Các bước thực hiện 

Bước 1:

Sơ chế nguyên liệu: 

  • Cá nục: rửa sạch, mổ bụng cá, bỏ phần ruột, bóp cá với muối để khử mùi tanh rồi rửa lại một lần nữa với nước. Cắt mỗi con cá thành 2 hoặc 3 khúc. 
  • Cà chua: rửa sạch và cắt cà chua thành 4 hoặc 6 phần 
  • Dứa (thơm): gọt bỏ vỏ, bỏ lỗi và cắt thành từng miếng nhỏ dày khoảng 0.5 cm. 
  • Hành lá: cắt bỏ phần gốc, rửa sạch rồi thái mịn.
  • Tỏi, hành tím: rửa sạch và đập dập, cắt mịn. 
  • Gừng: gọt bỏ phần vỏ, thái sợi dài nhỏ.
  • Ớt: cắt quả ớt làm 2 phần theo chiều dọc, bỏ phần hạt. Tiếp tục cắt ớt thành từng sợi dài nhỏ bề ngang khoảng 0.5 cm. Hoặc có thể cắt ớt thành từng khoanh tròn khoảng 0.5 cm.

Bước 2:  

  • Đặt chảo lên bếp cho nóng, cho dầu vào. Tiếp tục cho cá nục vào chiên sơ cả 2 mặt. Da cá hơi ngả vàng là được. 
  • Lấy cá ra và để vào dĩa. 

Bước 3:  

  • Bắt nồi lên cho nóng và cho dầu ăn vào. Dầu sôi cho tỏi và hành tím vào phi cho thơm rồi tiếp tục cho cà chua và thơm và xào cùng. 
  • Nêm nếm ít đường và muối. 

Bước 4:  

  • Cho cá nục đã chiên cùng ½ gừng và ½ chỗ ớt vào nồi, xào đều tay. Tiếp đó cho khoảng 1 bát nước, một lượng nước màu vừa đủ, cùng một ít đường vào nồi (nước phải ngập cá bạn nhé). 

Bước 5:  

  • Khi cá chín, cho phần gừng còn lại vào nồi, nêm thêm một ít nước mắm và gia vị cho vừa ăn. Kho thêm một xíu cho cá thật thấm gia vị là được. Tuy nhiên, không nên kho cạn nước, món này cần để nước sệt sệt lại để ăn cùng thì mới ngon. 
  • Cho hành lá vào và tắt bếp, trang trí bên trên với ít ớt còn lại. 

Gỏi mực

goi-muc-mien-trung
Món gỏi mực (nguồn: Cooky.vn)

Nguyên liệu 

STTCác nguyên liệu cần chuẩn bịSố lượng
1   Mực (có thể dùng mực nang)300 gam
2   Hành tây1 củ 
3   Cà rốt1 quả 
4   Đậu phộng 50 gam
5   Dưa leo (dưa chuột)1 – 2 quả
6   Hành tím2 củ
7   Tỏi2 – 3 tép
8   Gừng 1 củ nhỏ
9   Rau răm, ngò, quế, ớt50 gam
10   Chanh, giấm2 muỗng canh
11   Dầu ăn, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, dầu mè1 muỗng cà phê (mỗi loại)

Các bước thực hiện 

Bước 1:

Sơ chế nguyên liệu

  • Mực: Đem mực đi rửa sạch, cắt bỏ túi mực. Rửa sạch mực một lần nữa với hỗn hợp nước muối loãng và một ít gừng đập dập để khử mùi tanh của mực. Sau đó lại rửa sạch mực với nước và để ráo. Chẻ đôi mực và khứa xéo nhẹ trên thân mực rồi cắt miếng vừa ăn. 
  • Cà rốt: gọt bỏ vỏ và thái sợi nhỏ. Có thể ngâm cà rốt trong nước đá lạnh
  • Dưa leo: rửa sạch và cắt khúc dày khoảng 2 – 3 cm, độ dày khoảng 0.5 – 1 cm. 
  • Đậu phộng (tươi): rửa sạch với nước và để ráo. Bạn có thể mua loại đậu phộng đã rang sẵn để tiết kiệm thời gian. 
  • Tỏi, rau răm, ngò, quế: cắt bỏ phần rễ và rửa sạch với nước. Tỏi đập dập và thái mịn. Rau răm, ngò, quế có thể cắt khúc, để nguyên lá hoắc thái mịn từng theo sở thích. 
  • Hành tím: rửa sạch, bỏ lớp vỏ bên ngoài và bào mỏng. 
  • Hành tây: thái mỏng, vắt bằng tay để bớt đi mùi hành. Ngâm với nước đường và giấm. 
  • Ớt: cắt bỏ phần hạt. Tiếp tục cắt ớt thành từng sợi dài mỏng.

Bước 2:

Xào mực 

  • Đặt chảo lên bếp cho nóng rồi cho dầu ăn vào. Dầu sôi thì cho tỏi băm vào phi thơm rồi cho mực vào xào đều. Mực nên xào với lửa lớn để mực mau chín mà sẽ không bị quá dai. Nêm gia vị: ít muối, ít đường cho vừa ăn và tắt bếp. 

Bước 3:

Rang đậu phộng

  • Đặt chảo nóng lên và cho đậu phộng cùng ít muối vào rang cho đến khi vàng đều. Bật lửa nhỏ để đậu có thể chín từ từ và giòn ngon hơn. 
  • Đậu chín thì tắt bếp rồi cho đậu vào rổ, ray bỏ phần muối và ray bỏ vỏ. Tách hạt đậu phộng làm đôi hoặc có thể đâm ra nhỏ hơn. Nhớ là tách vỏ đậu lúc còn nóng để có thể tách dễ hơn bạn nhé. 

Bước 4:

Pha nước mắm chua ngọt để trộn gỏi

  • Pha 1 muỗng nước mắm cùng 2 muỗng nước, 1 muỗng đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng dầu mè, 1 quả chanh vắt lấy nước cốt (bạn có thể thay chanh bằng giấm tùy theo sở thích). Nêm nếm tùy theo khẩu vị của gia đình nhé. 

Bước 5:

Trộn gỏi

  • Hành tây vớt ra khỏi hỗn hợp nước đường, vắt khô. 
  • Lấy một cái thau hoặc thố lớn. Cho mực, hành tây, cà rốt, dưa leo, rau răm, ngò, quế vào chung với nhau. 
  • Chan nước mắm từ từ vào và trộn đều lên đến khi tất cả thấm đều gia vị là được. Rắc đậu phộng lên bên trên và cho ra dĩa và thưởng thức. 

Chè đậu ván

che-dau-van
Món chè đậu ván, đặc sản miền Trung (nguồn: Nhà hàng Thăng Long Huế)

Nguyên liệu 

STTCác nguyên liệu cần chuẩn bịSố lượng
1   Đậu ván400 gam
2   Dừa nạo300 gam
3   Đường trắng200 gam 
4   Sữa tươi không đường200 ml (1 bịch sữa)
5   Bột năng100 gam
6   Vani2 ống
7   Lá dứa4 lá

Các bước thực hiện 

Bước 1:

Sơ chế nguyên liệu:

  • Đậu ván: nhặt bỏ những hạt bị hư, bị lép. Ngâm đậu với nước khoảng 8 tiếng để đậu nở và mềm hơn (ngâm trước 1 đêm thì sáng hôm sau có thể dùng đậu rồi bạn nhé). Sau đó bạn cho đậu ra rổ và chà sát để bỏ đi lớp vỏ đậu và để ráo. 
  • Dừa nạo: bạn có thể ngâm với nước nóng hoặc để nhanh hơn thì bạn vắt với nước lạnh. Dùng tay vắt lấy nước cốt. Tuy nhiên, đừng cho quá nhiều nước khi vắt nhé, nhiều nước sẽ làm cho nước cốt dừa bị loãng.
  • Bột năng: hòa tan bột năng với một lượng nước lạnh hoặc ấm vừa đủ ( dùng nước sôi thì bột sẽ bị dính vào nhau).

Bước 2:

Hấp đậu ván

  • Cho đậu ván vào xửng và hấp cách thủy trong 30 phút. Hấp đến khi đậu bùi, ăn bùi và có mùi thơm là được. Lấy xửng đậu ra và để nguội.

Bước 3:

Nấu nước cốt 

  • Bắt nồi lên bếp và cho phần nước cốt dừa vào đun sôi. Thả gói lá dứa đã cố định vào nồi. 
  • Khi nước cốt sôi thì cho sữa tươi không đường. Vớt bỏ phần lá dứa.
  • Tiếp đó đổ từ từ 1 phần nhỏ bột năng đã pha với nước và 2 ống vani vào nồi, khuấy đều đến khi nước trong nồi sánh lại. 

Bước 4: 

  • Bắt lên bếp một nồi khác, cho vừa khoảng 600ml nước, 200 gam đường cùng phần bột năng còn lại vào và khuấy đều. Đường tan hết thì cho phần đậu ván và và tiếp tục khuấy đều đến khi chè sánh lại thì có thể tắt bếp. 
  • Bạn múc đậu ván ra bát nhỏ, chan một ít nước cốt lên trên và thưởng thức thôi nào. 

Thấy vậy mà các món đặc sản miền Trung này cũng không khó làm đúng không nhỉ. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không triển ngay cho gia đình mình một mâm cơm miền Trung đậm vị chua cay. Nếu mùa dịch này bạn ngại ra đường, đi chợ, đến nơi đông người thì đừng lo, đã có dịch vụ đi chợ của bTaskee giúp bạn. Các chị bTaskee sẽ xông pha mọi nơi để mang đến cho bạn những nguyên liệu tươi ngon nhất. Tìm hiểu thêm về dịch vụ đi chợ của bTaskee tại: https://www.btaskee.com/di-cho/

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
app-banner-btaskee-vie