mon-chay-cho-Trung-Thu

Cách nấu các món chay cho mâm cỗ đêm Trung Thu

Trung Thu là lễ hội truyền thống rất được chờ đợi ở các nước Châu Á, ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… đây là dịp trăng tròn nhất nên nó cũng là ngày đoàn viên của gia đình. Vào dịp Trung Thu tại Việt Nam, nhiều gia đình có truyền thống nấu 1 bữa cơm chay để cả gia đình quây quần ăn uống cùng nhau như một cách để sum họp gia đình. Các món chay cho Trung Thu khá đa dạng và mỗi món đều mang một ý nghĩa riêng. bTaskee sẽ gợi ý ngay cho bạn 5 món chay cho Trung Thu vừa ngon vừa dễ nấu lại mang ý nghĩa may mắn dưới đây.

1. Gỏi ngó sen

Đây là món chay cho khá phổ biến, dễ làm, thường được dùng làm món khai vị cho mâm cơm chay. Chỉ tốn 20 phút bạn đã có ngay 1 dĩa gỏi ngó sen ngon lành, thấm vị.

Nguyên liệu

  • 1/2 cây chả lụa chay
  • 1 ít tàu hủ ky
  • 300g ngó sen
  • 1 củ cà rốt
  • 1 trái dưa leo
  • 50g đậu phộng (rang sẵn)
  • Chanh, ớt
  • Giấm
  • Rau thơm: ngò, rau răm
  • 20 bánh phồng tôm (chiên sẵn)
  • Gia vị: đường, muối, bột ngọt, bột nêm chay

Cách làm

  • Bước 1: Chả lụa cắt sợi xào sơ sơ . Tàu hủ ky chiên giòn, bẻ miếng nhỏ.
  • Bước 2: Ngó sen làm sạch, ngâm vào nước muối để ngó sen không bị đen. Sau đó, bạn rửa sạch và cho ngay vào 1 thau nước đá để ngó sen giòn. Ngâm 10 phút rồi bạn vớt ra để ráo và chẻ ngó sen làm 4, cho ngó sen vào 1 thau sạch trộn chung với giấm hoặc chanh, xả sạch vắt ráo.
  • Bước 3: Cà rốt cắt sợi, trộn với 1 ít muối rồi xả sạch ướp với 1 ít đường. Dưa leo bỏ ruột, cắt miếng nhỏ vừa ăn.
  • Bước 4: Nhặt sạch rau thơm, rửa sạch. Đậu phộng giã vừa ăn.
  • Bước 5: Cho ngó sen, cà rốt, dưa leo, chả lụa, tàu hủ ky, 1/2 chén nước chanh, ớt cắt nhỏ, 2 muỗng nhỏ bột ngọt, muối và 3 muỗng đường vào trộn đều đến khi gỏi có vị chua ngọt là được. Cuối cùng cho rau thơm và đậu phộng vào và bày ra đĩa.

2. Đậu hũ bao bố

cach-nau-dau-hu-bao-bo-chay
Đậu hũ bao bố có phần vỏ giòn giòn đẫm nước xốt bên ngoài, bên trong là phần nhân mềm thơm mùi nấm chắc chắn sẽ khiến mọi người thích thú (Ảnh: bTaskee)

Đậu hũ là thực phẩm chay luôn được ưu tiên đưa vào danh sách các món chay cho Trung Thu vì mùi vị thơm ngon và hình thức bắt mắt của nó. Thoạt nhìn, đậu hũ bao bố có hình dáng khá giống túi tiền ngày xưa nên người ta hay chọn nấu món chay này cho dịp Trung Thu để cầu mong tài lộc cho cả gia đình.

Nguyên liệu

  • Đậu hủ trắng: 3 – 4 miếng (tùy theo số lượng người ăn)
  • Nấm đông cô: 3 tai
  • Củ năng cắt hạt lựu nhỏ: 20g
  • Chả chay cắt hạt lựu nhỏ: 60g
  • Cà rốt cắt hạt lựu nhỏ: 20g
  • Bắp cải cắt sợi nhỏ: 30g
  • Bông hẹ chần: 8 – 10 cọng
  • Nước lạnh: 1/2 chén
  • Poa-rô băm nhỏ: 1 muỗng
  • Dầu hào chay: 1 muỗng
  • Gia vị: Dầu ăn, tương ớt, muối, tiêu, dầu mè, đường, bột năng pha loãng

Cách làm

  • Bước 1: Đậu hũ cắt thành miếng hình chữ nhật (1 miếng đậu hũ lớn nên cắt thành 2 hoặc 4), chiên vàng, lấy muỗng nhỏ múc phần ruột ra để tạo khoảng trống, phần ruột múc ra bạn tán nhuyễn.
  • Bước 2: Nấm đông cô ngâm mềm. cắt hạt lựu.
  • Bước 3: Phi thơm poa-rô, cho các loại hạt củ năng, chả chay, cà rốt, bắp cải vào xào, nêm 1 muỗng bột nêm chay, 1 muỗng đường, nửa muỗng tiêu. Sau khi xào gần chín cho phần ruột đậu hũ đã tán nhuyễn vào xào sơ.
  • Bước 4: Sau khi đã xào xong phần nhân, bạn tiến hành cho nhân vào “bao đậu hũ” và dùng cọng hẹ cột miệng (nhớ cột nhẹ tay).
  • Bước 5: Chuẩn bị nước xốt: hòa 1 chén nước với 1 muỗng dầu hào, 2 muỗng nước tương, nửa muỗng đường, nửa muỗng hạt nêm, 1 muỗng tương ớt sau đó nấu sôi. Sau khi hỗ hợp sôi bạn giảm lửa và thêm 1 ít bột năng vào khuấy đều để nước sốt có độ sệt.
  • Bước 6: Cho đậu hũ bao bố vào nồi chung với nước sốt, nấu sôi khoảng 5 phút rồi bày ra đĩa có lòng sâu.

3. Sủi cảo chay

sui-cao-chay
Không những thơm ngon, sủi cảo còn mang lại tài lộc dồi dào cho người ăn (Ảnh: bTaskee)

Sủi cảo trong nền văn hóa Trung Hoa là món ăn may mắn và thường được nấu trong các dịp lễ lớn như Tết, sinh nhật, mừng thọ… Sủi cảo có hình dạng giống đồng tiền xưa của Trung Quốc nên nó được xem là món ăn đại diện cho sự hưng thịnh, sung túc trong năm. Sau quãng thời gian dài du nhập vào Việt Nam, sủi cảo đã trở thành món ăn quen thuộc đối với người Việt và cũng giống như món đậu hũ bao bố, sủi cảo chay là món chay cho Trung Thu không thể thiếu trong bữa ăn nhiều gia đình trong ngày sum vầy này.

Nguyên liệu

  • Bột mì : 100 gram
  • Nước
  • 50g đậu xanh
  • 30g nấm hương
  • 1 củ môn tàu
  • 300g nấm rơm búp
  • Hẹ, ngò, tiêu, đường
  • Gia vị: Muối, nước tương, bột ngọt, dầu mè

Cách làm

  • Bước 1: Cho bột mì và nước vào thố, trộn đều, chú ý không cho quá nhiều nước tránh trường hợp bột nhão. Nhồi bột đều rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại để yên trong 30 phút. Chia bột ra từng cục nhỏ, cán mỏng, cắt thành lá hoành thánh có kích thước vừa phải đổi gói sủi cảo.
  • Bước 2: Nấm rơm rửa sạch, ngâm muối, rửa lại bằng nước lạnh rồi để để ráo. Nấm hương ngâm nước cho nở đều, rửa sạch, vắt ráo, thái mỏng nhỏ như hạt đậu. Hẹ, ngò rửa sạch, để ráo, hẹ cắt thành từng khúc 3cm, ngò thái nhuyễn.
  • Bước 3: Đậu xanh ngâm nước cho nở. Khoai môn gọt sạch vỏ, thái lát mỏng, xắt sợi, băm nhỏ như hạt đậu.
  • Bước 4: Cho đậu xanh và khoai môn vào hầm cho nở đậu và khoai mềm là đã dùng được.
  • Bước 5: Cho chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng dầu ăn, phi tỏi cho thơm, cho nấm hương vào xào, nêm muối, bột ngọt, tiêu. Sau đó cho đậu xanh và khoai môn vào chảo đảo đều. Nêm vừa ăn và bắc chảo xuống để nhân mềm.
  • Bước 6: Lấy lá hoành thánh lúc nãy để gói sủi cảo, chú ý bấm mép cho kín để khi hấp không bị vỡ.
  • Bước 7: Nấu nước sôi và cho sủi cảo vào hấp 15 phút, vớt ra cho ngay vào nước lạnh để sủi cảo khỏi dính.

4. Canh khoai môn

canh-khoai-mon-chay
Một tô canh khoai môn nóng hổi, dẻo và ngọt là món ăn không thể thiếu trong ngày Trung Thu (Ảnh: bTaskee)

Theo dân gian, khoai môn có tác dụng trừ tà nên nếu ăn canh khoai môn trong những ngày như Tết Trung Thu sẽ xua đuổi được những điều không may và mang may mắn đến cho gia đình. Chính vì điều này nên canh khoai môn luôn là món chay cho Trung Thu được các mà các mẹ ưu chuộng.

Nguyên liệu

  • 1 miếng khoai môn đã gọt vỏ sẵn hoặc một củ nhỏ nguyên vỏ
  • Nấm đông cô khô: 10 miếng
  • 2 gói nấm kim
  • Ba rô, rau quế
  • Nước lọc
  • Gia vị: muối, bột nêm, tiêu, dầu ăn

Cách làm

  • Bước 1: Khoai môn gọt vỏ, cắt khúc để ráo. Ba rô, rau quế lấy lá rửa sạch, cắt nhỏ; nấm kim châm cắt bỏ gốc rửa sạch.
  • Bước 2: Nấm đông cô bạn cho vào 1 ít nước, nấu mềm, vắt ráo.
  • Bước 3: Cho dầu ăn vào chảo, phi ba rô cho thơm rồi cho nấm vào đảo đều, cho gia vị vừa ăn, sau đó cho nước và khoai môn vào nấu. Nấu cho đến khi khoai môn mềm, cuối cùng cho nấm kim châm vào, nêm vừa ăn rồi tắt lửa. Khi nào múc ra tô thì cho chút tiêu và rau quế vào.

5. Chè hạt sen long nhãn

che-long-nhan-hat-sen
Món chè long nhãn hạt sen sẽ là món tráng miệng tuyệt vời cho gia đình bạn (Ảnh: bTaskee)

Từ lâu, chè long nhãn hạt sen được xem là món ăn của các gia đình vương giả, giàu có. Sau này, vào các dịp như rằm, tết Trung Thu các đại gia đình sẽ nấu nồi chè long nhãn hạt sen tươi để bày lên mâm cúng ông bà với mong muốn con cháu được may mắn, vẹn tròn. Đây cũng là món tráng miệng thanh mát, dễ ăn có tác dụng an thần, ngủ ngon rất tốt vì vậy nếu chưa biết nấu món gì để tráng miệng sau bữa cơm chay, bạn nên thêm ngay món này vào thực đơn món chay cho Trung Thu nhé!

Nguyên liệu

  • 300 gram hạt sen tươi
  • 1 kg nhãn tươi
  • 0.3 kg đường phèn hoặc 0,5 kg đường cát

Cách làm

  • Bước 1: Hạt sen bạn rửa sạch, dùng tăm loại bỏ tâm (tâm có thể phơi khô thêm vào trà).
  • Bước 2: Nhãn bóc vỏ, bỏ hạt, chú ý nên khéo léo để nhãn không bị nát.
  • Bước 3: Cho hạt sen vào nồi đổ ngập nước, nấu cho mềm. Sau khi hạt sen mềm, bạn cho đường phèn vào nấu tiếp trong 10 phút cho đường tan hết. Tắt bếp, vớt hết hạt sen ra.
  • Bước 4: Dùng muỗng khéo léo nhồi hạt sen vào trong nhãn lồng. Sau đó cho tất cả nhãn vào nồi, nấu sôi rồi tắt bếp. Món này bạn có thể ăn nóng hoặc thêm 1 ít đá lạnh vào để tăng hương vị cho món ăn.

Trên đây là 5 món chay cho Trung Thu có đủ cả món chính, món phụ mà bTaskee đã dày công sưu tập, mỗi món đều mang ý nghĩa may mắn, cầu chúc những điều tốt đẹp đến mọi người trong dịp rằm tháng 8. Còn gì hơn 1 bữa cơm chay nóng hổi, thơm ngon, nhẹ bụng cho cả nhà ngồi lại ăn uống, nói chuyện, sum vầy bên ngày trong ngày Trung Thu đoàn viên đúng không nào? Bắt tay vào nấu ngay thôi!

Bài đọc thêm

Những món ngon từ đậu hũ lành tính, đưa cơm cho ngày hè nóng nực

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
app-banner-btaskee-vie