Cách nấu cháo ăn dặm cho bé luôn là chủ đề các bà mẹ “đàm đạo” thường xuyên với nhau. Sợ không đủ dinh dưỡng cho bé, sợ bé kén ăn không thích, sợ không phù hợp với dạ dày bé,… nên các mẹ luôn trăn trở và vắt óc suy nghĩ thực đơn mỗi ngày. Có 4 yếu tố quan trọng mà các mẹ nên nhớ khi nấu cháo ăn dặm là: tỷ lệ gạo – nước, nguyên liệu, cách nêm nếm và cách bảo quản.
1. Tỷ lệ gạo – nước
Ở giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn từ bột đến cháo loãng sau đó tăng dần độ sánh đặc, lợn cợn của cháo và thức ăn để hệ tiêu hóa của bé có thời gian làm quen, kích thích men tiêu hóa được tiết ra nhiều hơn và thúc đẩy hoạt động của dạ dày.
Tỷ lệ gạo – nước là bước cơ bản để mẹ có được cách nấu cháo cho bé ăn dặm hợp lý nhất.
Từ 6 – 7 tháng tuổi: tỷ lệ gạo – nước là 1:12 và dần dần là 1:10.
Từ 8 -11 tháng tuổi: tỷ lệ gạo – nước là 1:8 và dần dần là 1:6.
Nếu mẹ không nấu cháo cho bé mỗi ngày mà nấu sẵn cháo để trữ đông và mỗi ngày lấy ra một lượng nhất định để chế biến cháo ăn dặm cho bé thì nên nấu theo tỷ lệ gạo:nước là 1:5. Khi rã đông cháo, mẹ thường sẽ cho thêm các thực phẩm khác và nước vào nên nếu ban đầu nấu quá nhiều nước sẽ làm cháo bị loãng.
2. Nguyên liệu nấu cháo ăn dặm cho bé
Sau bước đong đúng tỷ lệ gạo – nước thì bước quan trọng không kém đó là chọn nguyên liệu nấu cháo cho bé. Nguyên liệu nấu phải đảm bảo an toàn, vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Từ 4 – 6 tháng:
Nguyên liệu chủ yếu là rau, củ, quả, ngũ cốc và sữa.
Nên chọn: Các loại rau có lá xanh thẫm và chỉ dùng lá, không nên dùng cọng, thân. Các loại củ, quả có thể nấu mềm như cà rốt, cà chua, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, các loại đậu, táo, lê…
Nên hạn chế: Các loại rau, củ có thể gây dị ứng như đậu phộng, lúa mì, lúa mạch, đậu nành, bắp. Nếu muốn dùng các nguyên liệu này để nấu cháo cho bé, mẹ nên thử theo dõi phản ứng dị ứng bằng cách: Chỉ nấu riêng lẻ từng loại nguyên liệu và theo dõi phản ứng của bé sau 3 lần ăn. Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu như đỏ mắt, nổi mẩn đỏ, ngứa da, khó thở… thì nên loại bỏ loại thực phẩm này khỏi danh sách nguyên liệu nấu ăn cho bé.
Từ 7 – 12 tháng:
Nguyên liệu nên dùng: thịt, cá, trứng, tôm, gà,…
Nên chọn: Thịt nạc, mềm và các loại cá béo. Không nên ăn cá quá 3 lần/ tuần. Nếu bé hay dị ứng thì không nên ăn trứng và tôm trong giai đoạn này. Lượng thịt, cá trong bữa ăn của bé giai đoạn này là khoảng 15g/ phần ăn.
Nên hạn chế: Các loại hải sản có vỏ cứng như trai, sò, hào… chưa thích hợp với bé trong giai đoạn này vì có thể làm tăng nguy cơ dị ứng.
3. Cách nêm nếm cháo
Dưới 12 tháng tuổi, các mẹ không nên nêm quá nhiều muối, đường sẽ ảnh hưởng đến thận của bé. Và ngược lại, duy trì chế độ ăn quá nhạt trong thời gian dài cũng tạo ra những hệ quả khó lường đến sức khỏe của bé..
Cách nấu cháo cho bé ăn dặm lý tưởng nhất là nên hạn chế sử dụng muối hay đường trong đồ ăn của bé. Nếu muốn thức ăn thơm ngon và bớt đơn điệu, mẹ nên dùng các nguyên liệu là rau củ có vị ngon tự nhiên như cà rốt, tôm, cua, củ cải…
4. Cách bảo quản
Trữ đông là cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo quản các nguyên liệu nấu cháo cho bé. Mẹ có thể tranh thủ ngày cuối tuần để mua các loại nguyên liệu khác nhau, rửa sạch, nấu chín, xay nhuyễn và chia đều thành các phần vừa ăn rồi để đông đá. Lượng thức ăn nên vừa phải để dùng hết trong 1 tuần, tránh để lâu mất chất dinh dưỡng.
Mẹ nên đong đếm lượng nguyên liệu sao cho vừa trong 1 phần ăn của bé, tránh để thức ăn dư thừa. Nếu nấu một lượng cháo nhiều để ăn 3 bữa trong ngày, mẹ nên hâm lại trước mỗi lần cho bé ăn.
Các bài viết liên quan:
Hướng dẫn ăn dặm đúng cách cho bé
Những hiểu lầm không đáng có khi cho trẻ sử dụng túi nhai ăn dặm