Tết là kỳ nghỉ quan trọng nhất của người Việt Nam, đây là dịp để người thân trong gia đình quây quần, sum họp với nhau. Chính vì vậy, các món ăn ngày Tết cũng được chuẩn bị cầu kỳ và công phu hơn. Nhắc đến Tết là không thể thiếu bánh chưng bánh tét, dưa hành củ kiệu, măng kho, thịt kho hột vịt… Vậy làm thế nào để bảo quản tốt nhất các loại thực phẩm này để có một cái Tết ngon lành và an toàn. Dưới đây, bTaskee sẽ bật mí cho bạn những mẹo nhỏ giúp bảo quản thực phẩm Tết.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Hai loại bánh này được làm chủ yếu từ gạo nếp, đậu xanh, thịt nên rất dễ bị thiu trong thời tiết nắng nóng của nước ta. Nếu gia đình tự gói bánh chưng, bánh tét thì sau khi bánh chín, bạn nên vớt ra, nhúng bánh vào một thau nước lạnh để bánh săn lại, sau đó, hãy treo bánh ở nơi thoáng khí để bánh nguội.
Khi ăn, nên ăn đến đâu cắt đến đó để tránh tình trạng để bánh bị hư hỏng khi tiếp xúc quá lâu trong không khí. Người ta hay có quan niệm không nên cho bánh chưng, bánh tét vào tủ lạnh vì bánh sẽ bị “lại gạo” (cứng). Tuy nhiên, nếu cắt mà không ăn kịp bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc kín, lúc này bạn có thể bảo quản bánh từ 1 đến 2 ngày.
Một lưu ý nhỏ là nếu bánh chưng, bánh tét bạn đã cho vào tủ lạnh thì khi sử dụng bạn nên hấp hoặc chiên lại để làm nóng bánh. Ngoài ra, với những phần bánh đã có dấu hiệu chua, mốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu thì bạn nên cắt bỏ phần bánh này.
Nem chua, chả lụa
Khi bảo quản thực phẩm Tết, cần đặc biệt chú ý đến hai loại thực phẩm này vì nem chua, chả lụa được xem là loại thực phẩm khá khó bảo quản để bảo quản và giữ đúng hương vị. Chả lụa được làm từ thịt nạc, thịt mỡ, gia vị nên rất dễ bị chua khi bảo quản ở nhiệt độ thường.
Nem chua được làm thịt mông lợn, trộn chung với thính gạo và lợi dụng men của lá (lá ổi, lá sung…) để làm chua nem. Bởi vậy nên nem chua thường không để được lâu quá 1 tuần vì lúc đó nem sẽ lên men quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng của nem.
Nem chua, chả lụa nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 0 đến 4 độ, ở nhiệt độ này nem chua, chả lụa có thể bảo quản được khoảng 1 tuần. Nếu lỡ mua nhiều bạn cũng có thể để ở ngăn đông, nếu bạn bảo quản nem chua, chả lụa ở đây thì trước khi ăn bạn phải rã đông trước 2 tiếng. Tuy nhiên, nem chua, chả lụa bảo quản ở ngăn đông sẽ phần nào mất đi hương vị vốn có của nó.
Dưa hành, củ kiệu
Dưa hành, củ kiệu là món ăn kèm không thể thiếu mỗi khi ăn bánh chưng, bánh tét. Đây là món ăn xuất hiện hầu hết trong các bữa ăn vào dịp Tết và là loại thực phẩm thường không để được lâu. Muốn bảo quản dưa hành, củ kiệu lâu trước tiên các bạn phải chú ý đến cách làm. Củ kiệu khi cắt chỉ nên cắt bỏ phần rễ, không nên cắt thâm vào phần củ, rửa sạch và để thật ráo.
Dân gian thường truyền miệng nhau nên phơi củ kiệu ra nắng từ 2 đến 3 giờ để củ kiệu bớt nước, như vậy khi muối sẽ ngon hơn. Khi ngâm củ kiệu, dưa hành không nên ngâm nhạt quá vì thiếu muối sẽ làm cho món ăn không ngon và dễ bị chua. Nếu trời có nắng, hãy mang hũ dưa hành, củ kiệu ra phơi nắng, như vậy bạn sẽ sử dụng được lâu hơn.
Măng khô
Măng khô là loại thực phẩm hay được chọn để chế biến thành nhiều món vào dịp Tết. Sau khi mua măng khô bạn nên bỏ một ít ra và luộc trong vòng từ 20 – 30 phút, để lửa nhỏ. Sau khi măng chín bạn vớt ra, rửa sạch và cắt bỏ phần già, sau đó chế biến.
Với măng khô chưa chế biến bạn nên bỏ vào bao ni lông kín và treo ở nơi thoáng khí để tránh ẩm mốc và mối mọt.
Thịt kho hột vịt
Thịt kho hột vịt thường được nấu từ thịt ba chỉ và hột vịt nên có rất nhiều mỡ nên khá khó bảo quản. Thịt kho sau khi nấu chín không nên đậy kín để thịt có thể nguội, cũng không nên lắc hoặc khuấy, như vậy thịt sẽ được giữ lâu hơn.
Trứng trong nồi thịt kho nếu bị bể phải vớt ra để tránh thịt bị chua. Khi ăn chỉ nên múc lượng vừa đủ dùng và hâm riêng. Với phần ăn thừa bạn cất vào tủ lạnh, không đổ lại vào nồi thịt.
Các loại mứt
Bánh mứt là thực phẩm được tẩm rất nhiều đường nên đây là loại thực phẩm bạn nên đặc biệt chú ý đến chúng khi tìm hiểu về cách bảo quản thực phẩm Tết. Đối với các loại mứt này, các gia đình thường đặt vào hộp đựng cùng với nhiều loại bánh, kẹo khác. Điều này khiến cho mứt rất dễ bị chảy nước vì hộp đựng thường được mở liên tục.
Để tránh tình trạng này bạn nên để mứt vào hũ kín, khi nào ăn thì lấy ra, mỗi thứ 1 ít. Không nên dồn mứt ăn dở trở lại hộp vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sốmứt còn lại.
Đặc biệt, mứt không nên được cho vào tủ lạnh vì khi để lấy ra ngoài, gặp nhiệt độ thường mứt sẽ chảy nước rất nhanh và không còn thơm ngon.
Hy vọng với những chia sẻ trên của bTaskee về bảo quản thực phẩm Tết các bạn sẽ có một cái Tết vui vẻ bên gia đình, người thân với những món ăn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bài viết xem thêm:
Trổ tài làm gân bò chua ngọt ngon đến khó cưỡng
Hướng dẫn làm củ kiệu chua ngọt thơm ngon cho ngày Tết