Từ rất lâu, bánh chưng đã xuất hiện trong văn hóa đời sống của người Việt Nam. Mỗi độ xuân về, trên những mâm cỗ không thể thiếu vắng bóng dáng của chiếc bánh chưng xanh. Ý nghĩa bánh chưng ngày Tết trong bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do vì sao loại bánh này lại là “linh hồn” của những bữa ăn ngày Tết.
Nguồn gốc bánh chưng, bánh giầy ngày Tết
Với người dân Việt Nam, thiếu đi bánh chưng là vắng đi niềm vui ngày Tết. Xuân về, người người nhà nhà tất bật tổng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa; mua đào, mua mai, mua các loại hoa Tết đẹp nhất để chưng lên bàn thờ gia tiên. Tất cả từ lâu đã tạo nên một cái Tết rất Việt Nam mà ai ai cũng mong mỏi tìm về.
Hình ảnh gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng xanh đêm Giao thừa luôn là điều rất nhiều người mong đợi khi trời vừa chớm chuyển mình sang mùa mới. Bên cạnh Tết Nguyên đán, bánh chưng còn được gói vào ngày 10 tháng 3 để giỗ tổ Vua Hùng. Nguồn gốc tục gói bánh chưng ngày Tết và ý nghĩa bánh chưng ngày Tết được giải thích qua sự tích bánh chưng – một câu chuyện được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ.
Chuyện kể rằng vua Hùng Vương thứ 6 sau khi đánh đuổi giặc Ân thì muốn truyền ngôi. Ngày đầu xuân, vua tập hợp các con lại và nói: “Ai trong các con tìm được thức ăn ngon và bày mâm cỗ sao cho ý nghĩa nhất; ta sẽ truyền ngôi cho người đó.”
Nghe vậy, các hoàng tử liền đua nhau đi tìm của ngon vật quý để chuẩn bị dâng lên vua cha. Ai ai cũng ra sức dùng tiền tài của cải mình có được tìm đổi những món ăn quý hiếm. Hòng nắm trong tay cơ hội sở hữu ngai vàng.
Trong khi đó, vị hoàng tử thứ 18 tên là Lang Liêu lại hết sức buồn rầu. Tuy hiền lành, hiếu thảo; nhưng vì mẹ mất sớm, Lang Liêu chẳng có của cải gì. Quanh năm, chàng chỉ miệt mài bên đồng ruộng. Không có ai chỉ vẽ cho chàng lễ vật dâng tặng vua cha. Lang Liêu nghĩ mãi nhưng vẫn không biết làm thế nào.
Một tối, Lang Liêu nằm mộng thì thấy có một vị thần đến bảo: “Này con, vật trong trời đất không có gì quý bằng hạt gạo. Vì gạo là tinh hoa của đất trời nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông giống như trời và đất. Con hãy bọc bánh bên ngoài bằng lá, bên trong bánh là nhân. Làm vậy để tượng hình cha mẹ sinh thành.”
Nói đến đây, vị thần biến mất. Lang Liêu tỉnh dậy thì vô cùng mừng rỡ. Chàng làm theo lời vị thần đã dặn trong giấc mơ. Lang Liêu chọn những hạt nếp trắng tinh, không sứt mẻ; đem vo cho sạch, rồi lấy lá dong gói thành hình vuông; bỏ nhân ngon vào giữa; đem luộc chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Sau đó, chàng lấy nếp giã nhuyễn, nhào nặn thành hình tròn tượng trưng cho Trời. Món bánh này gọi là bánh dày.
Đúng kỳ hẹn, các hoàng tử tập hợp lại cùng dâng lễ vật lên vua cha. Ai cũng dâng lên biết bao sơn hào hải vị; những món ngon hiếm có trên đời. Duy chỉ có Lang Liêu giản bị bên mâm cỗ có hai loại bánh với hình thù vuông tròn. Vua Hùng lấy làm lạ hỏi. Lang Liêu thật thà đem chuyện được vị thần báo mộng và giải thích ý nghĩa loại bánh mình làm. Vua cha nếm thử thì thấy bánh ngon và khen ngợi ý nghĩa của chúng. Ông không nghĩ ngợi nhiều mà truyền ngôi ngay cho Lang Liêu – vị hoàng tử thứ 18 của mình.
Từ đó về sau, hàng năm cứ mỗi dịp giỗ Tổ Vua Hùng và vào dịp Tết; người dân lại có tục gói bánh chưng ngày Tết để tưởng nhớ công ơn vua Hùng và bày tỏ lòng thành với tổ tiên.
Đặc điểm của bánh chưng, bánh dày
Bánh chưng
Từ bao đời nay, bánh chưng đã như một món ăn gắn bó, sum vầy, mang đậm hương vị Tết cổ truyền của dân tộc ta.
Bánh chưng được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản như: Lá dong dùng để gói bánh, gạo nếp làm vỏ bánh và đỗ xanh, thịt lợn, hành làm nhân bánh.
Khi ăn bánh mọi người sẽ cảm nhận được mùi thơm của gạo nếp, bùi bùi của đậu xanh, hòa quyện với thịt lợn và hành tạo nên một hương vị độc đáo. Bánh chưng thường được ăn kèm với tôm khô, dưa món,…
Bánh giầy
Bánh thường được làm bằng gạo nếp giã thật mịn nên bánh có độ dẻo và dai, loại bánh giầy phổ biến nhất là loại trắng không nhân, nhỏ bằng lòng bàn tay, có đường kính từ 5 – 7cm, độ dày 1 – 2cm.
Khi làm xong, bánh sẽ được gói trong lá chuối tươi và ăn cùng chả lụa, chả quế, ruốc,…
Ý nghĩa bánh chưng, bánh giầy ngày Tết
Sự tích trên không chỉ giải thích nguồn gốc mà còn gợi mở về ý nghĩa bánh chưng ngày Tết. Người Việt Nam từ xa xưa đã sống trong nền văn hóa lúa nước, phải phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Vì thế, ý nghĩa bánh chưng ngày Tết trước hết là lời cảm tạ của nhân dân ta với trời đất. Suốt một năm trải qua, trời ban mưa thuận gió hòa, hoa màu bội thu; cuộc sống con người được ấm no nên bánh chưng được cảm tạ dâng lên trời đất là vì thế.
Nét đẹp văn hóa tinh thần
Gạo nếp – nguyên liệu làm bánh thể hiện được tinh thần dân tộc. Phần nhân bên trong tượng trưng cho tấm lòng cha mẹ ấp ủ, thai nghén con cái thành hình người để bày tỏ ơn sinh thành với tổ tiên.
Bánh chưng hình vuông, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho Đất và Trời; thể hiện được sự hoà hợp âm dương và triết lý Vuông Tròn trong đời sống tâm linh của người Việt.
Nếu như bánh chưng là hiện thân cho sự hy sinh cao cả và hiền dịu của người phụ nữ Mẹ Âu Cơ, thì bánh giầy chính là sức mạnh của Rồng, sự hy sinh lớn lao của Cha.
Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng hoặc được bày cùng các vật dụng khác trên mâm ngũ quả đầu năm để thể hiện cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.
Gói trọn tình yêu thương
Bánh chưng là loại bánh truyền thống đầu năm. Thế nên với nhiều người, ý nghĩa bánh chưng ngày Tết rất đơn giản: Thấy bánh chưng là thấy Tết. Vậy nên cho dù đang ở đâu đi chăng nữa. Mỗi khi Tết đến, người Việt chúng ta luôn muốn được trở về nhà. Cảm giác hạnh phúc là khi ta được quây quần bên gia đình; cùng nhau tìm tòi cách làm bánh chưng; hay những tối cùng mọi người vui đùa khi canh nồi bánh chưng; cảm nhận không khí Tết đang ùa về trong từng hơi thở.
Tượng trưng cho Đất Trời
Bánh chưng, bánh giầy được chế biến từ lúa nếp thơm, một sản phẩm tiêu biểu của nghề trồng lúa nước của dân tộc ta. Chính vì vậy bánh chưng xuất hiện vào ngày Tết như một cách để thể hiện lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Hơn thế nửa, bánh chưng có hình vuông, bánh giầy có hình tròn chính là sự tượng trưng cho Trời Đất, con người luôn phải biết ơn mảnh đất đã sinh ra và nuôi sống chúng ta.
Thể hiện sự no đủ, thịnh vượng
Bên ngoài bánh chưng là chiếc lá dong có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn… Một chiếc bánh chưng đủ đầy các nguyên liệu thể hiện sự sung túc, ấm no.
Bánh giầy với hình tròn đầy đặn chính là sự đầy đủ, thịnh vượng trong cuộc sống. Tuy đó là chỉ những điều đơn giản nhưng lại là tất cả những mong ước của người dân vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Tóm lại, ý nghĩa bánh chưng ngày Tết là sự cảm tạ của người dân với đất trời. Là thức quà bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Và cũng là hương vị Tết đối với mỗi người. Hít hà mùi hương dịu thanh của lá dong, thưởng thức cái dẻo ngọt của nếp; vị bùi bùi của đậu cùng nhân thịt đậm đà là điều mà bất kỳ ai cũng ao ước mỗi khi Tết về.
Bảo quản bánh chưng sao cho đúng?
Bánh chưng là thực phẩm cần được bảo quản đúng cách. Ngay từ những khâu chế biến đầu tiên; chúng ta cần phải lưu ý một số điểm sau để bánh bảo quản được lâu sau khi gói nhé.
Kỹ lưỡng ở khâu làm bánh
- Với lá gói bánh: Dù là lá dong hay lá chuối, bạn cũng cần rửa chúng kỹ qua nước sạch. Sau đó trụng nhanh lá qua nước nóng để loại bỏ vi khuẩn.
- Khi gói bánh, bạn không nên gói bánh quá chặt hoặc quá lỏng. Gói chặt sẽ làm bánh bị “lại gạo” (cứng, khó ăn). Ngược lại, gói lỏng sẽ khiến bánh rời rạc, nhanh hỏng.
- Khi cắt bánh cần dùng dao sạch hoàn toàn. Tránh tình trạng dao còn bám lại những thực phẩm đã sử dụng lần trước.
- Luộc bánh kỹ để bánh được chín đều từ trong ra ngoài. Sau khi luộc bánh chín, để nguội và lau sạch lớp mỡ bên ngoài.
Bảo quản bánh chưng bên ngoài
Nhiều gia đình lo sợ bánh chưng nhanh bị cứng khi bảo quản bánh trong tủ lạnh. Nhưng nếu để ở ngoài thì bánh sẽ nhanh bị thiu do đặc trưng khí hậu của nước ta. Tin vui là chúng ta vẫn có thể bảo quản bánh bên ngoài bằng cách treo bánh ở nơi thoáng mát; tránh bụi bẩn và ánh nắng trực tiếp. Tuyệt đối không cất bánh vào tủ hay để bánh trong túi kín. Điều này sẽ khiến bánh chưng bị hầm hơi, rất mau hỏng bánh.
Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh
Nếu chọn tủ lạnh để bảo quản bánh, khi mang ra dùng tiếp, bạn nên hấp lại hoặc đem chiên. Ngoài ra, để kéo dài thời gian sử dụng bánh (15 ngày). Chúng ta có thể cho bánh vào ngăn đá tủ lạnh. Khi dùng, bạn cần rã đông bánh và luộc lại. Phương pháp này tốn thời gian nên ít khi được áp dụng. Bạn cần để bánh còn nguyên vẹn lá gói khi cho ngăn đá tủ lạnh; ăn đến đâu cắt đến đó. Sau khi cắt bạn dùng màng bọc thực phẩm bao kín bánh lại và đặt lại vào tủ.
Bảo quản bánh chưng có được lâu hay không còn phụ thuộc vào khâu gói bánh (buộc chặt sẽ bảo quản lâu hơn và ngược lại). Bên cạnh đó, nếu gia đình bạn gói bánh chưng tại nhà. Lưu ý là sau khi nấu chín bánh; bạn nên dùng nước sạch để rửa lại bánh nhằm loại bỏ các chất nhựa của lá.
Ngày Tết, có biết bao nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc Việt. Và một trong những việc cần làm để Tết đầy đủ nhất chính là nấu một nồi bánh chưng thật thơm ngon để cùng cả gia đình chào năm mới. Dù thời gian có làm đổi thay nhiều thứ; ý nghĩa bánh chưng ngày Tết vẫn sẽ luôn như thế. Đó không chỉ đơn giản là một món ăn. Tục gói bánh chưng ngày Tết là minh chứng phản ánh đời sống tinh thần đẹp đẽ của người dân Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.