Nhiều cha mẹ Việt đều quan niệm rằng “thương cho roi cho vọt”, tuy nhiên hành động phạt trẻ hoặc đánh trẻ đều gây ra những tác dụng phụ không tốt. Với suy nghĩ, quan điểm giáo dục ảnh hưởng từ thời xưa, cha mẹ Việt thường có cách giáo dục trẻ em khá “cứng rắn” và dần dần không phù hợp với trẻ em bây giờ.
1. Quá cưng chiều con trẻ
Vì nhận thấy con còn nhỏ nên nhiều mẹ rất cưng chiều con. Họ thường có xu hướng làm hết cho con, từ những việc nhỏ nhất như giúp con đánh răng, mặc quần áo, mang giày dép… mặc dù trẻ đã 4, 5 tuổi và hoàn toàn có đủ khả năng làm những việc này.
Quá cưng chiều trẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ khiến trẻ sinh ra tính ỷ lại vào cha mẹ và không thể tự lập ngay khi đã lớn. Ngoài ra, trẻ sẽ sinh ra tâm lý “mình đáng được đối xử như vậy” nên khi bố mẹ nghiêm khắc, ngưng chiều chuộng trẻ sẽ có những phản ứng gay gắt và phản ứng mãnh liệt.
2. Suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”
Ngược với suy nghĩ trẻ nhỏ cần được nuông chiều, một số bậc cha mẹ Việt lại có suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”. Điều này khiến họ dạy con rất nghiêm khắc ngay từ bé, thậm chí là có phần quá “cứng rắn” khi trẻ còn nhỏ. lâu dần, trẻ sẽ bị tổn thương về mặt thể xác cũng như tinh thần, khiến trẻ ghét bố mẹ và trở nên lì lợm, không yêu thương người thân và trở nên “bất trị”. Thậm chí, sau này nhiều trẻ sẽ có xu hướng bạo lực vì ảnh hưởng từ bố mẹ.
Theo các chuyên gia giáo dục trẻ em, khi trẻ làm sai hoặc có lỗi, thay vì trách mắng, cha mẹ nên kiên nhẫn giải thích cho trẻ biết tại sao chuyện đó là sai và cách xử lý đúng khi gặp trường hợp tương tự.
3. Cấm đoán trẻ
Cha mẹ Việt Nam rất hay cấm đoán con trẻ khi trẻ làm những việc không vừa ý mình. Tuy nhiên, trẻ em thường hiếu động và rất tò mò nên việc cấm trẻ không hiệu quả lắm. Cho nên cách nhất là cho trẻ thấy hoặc giải thích cho trẻ hiểu những hậu quả “kinh khủng” khi làm những việc đó để trẻ hiểu và không vi phạm. Nếu việc đó không ảnh hưởng nhiều trẻ thì hãy cho trẻ làm trong vòng kiểm soát.
4. So sánh con với người khác
Các cha mẹ Nhật không bao giờ lên tiếng so sánh con mình với người khác vì họ hiểu rõ tác hại của hành động này. Còn ở Việt Nam, chuyện này đã trở thành chuyện bình thường. Việc so sánh, chửi con nhỏ không bằng bạn này, bạn kia của bố mẹ khiến cho trẻ chịu 1 áp lực rất lớn và tạo cho trẻ suy nghĩ bản thân thua kém người khác, sinh ra thiếu tự tin và ngại giao tiếp.
5. Không quan tâm đến suy nghĩ, tâm tư của trẻ
Việc dành quá nhiều thời gian cho công việc cộng với suy nghĩ con nhỏ chưa biết gì nên nhiều cha mẹ Việt bỏ bê việc lắng nghe mong muốn của con. Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi rất tò mò về mọi thứ và thường có nhu cầu tìm hiểu mọi thứ xung quanh và cũng có những nhu cầu riêng như muốn được cha mẹ đưa đi chơi, muốn được ngủ cùng bố mẹ hoặc muốn được mẹ dạy vẽ, dạy đọc số… Thiếu quan tâm đến con cái dù con còn nhỏ sẽ khiến trẻ có suy nghĩ cha mẹ không yêu thương và thiếu thốn tình cảm, cảm thấy cô đơn, không bằng các bạn khác. Điều này không hề tốt trong việc giáo dục trẻ em ngay từ nhỏ.
Muốn giáo dục tốt trẻ em, các bậc cha mẹ cần phải quan tâm và có biện pháp thích hợp với độ tuổi của trẻ. Nếu các bạn vẫn còn lăn tăn về phương pháp dạy trẻ, bạn có thể tham khảo phương pháp của người Nhật để dạy con. Cũng đừng quá cứng nhắc khi áp dụng phương pháp này vì môi trường sống và hoàn cảnh xã hội khác nhau nên cần linh hoạt áp dụng. Chúc bạn thành công.
Bài đọc thêm
Những phương pháp giáo dục trẻ em từ 1 đến 5 tuổi phổ biến hiện nay