Những món ăn mang đậm truyền thống Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới

Ngoài những danh lam thắng cảnh, tinh thần hiếu khách của con người thì đất nước ta còn nổi tiếng bởi nên ẩm thực đậm đà hương vị, được rất nhiều du khách nước ngoài biết đến. Sau đây, bạn hãy cùng bTaskee điểm qua những món ăn truyền thống này nhé.

Xem thêm

Phở

Đầu tiên trong danh sách này đó chính là món Phở trứ danh. Ngày nay, cách chế biến Phở đã được người Việt ta sáng tạo rất nhiều. Từ phở cuốn, phở xào, phở áp chảo đến phở khô với chén nước dùng để riêng. Chưa kể đến, mỗi vùng miền lại có cách nấu khác nhau phù hợp với khẩu vị người thưởng thức.

Nhưng với bát phở truyền thống bắt nguồn từ Nam Định thì nước lèo phải được hầm từ xương ống của bò, kết hợp với các gia vị như hồi, thảo quả, quế, đinh hương, gừng, củ hành đã nướng,… Đun nước dùng cũng rất quan trọng để làm nên một bát phở ngon. Người nấu phải điều chỉnh lửa làm sao để nước vừa ninh được tinh chất của xương, vừa giữ được độ trong, hương vị thơm ngon của các loại gia vị.

Bún bò huế 

Tiếp theo là món Bún bò Huế, đặc sản của xứ Huế đầy thơ mộng. Một tô bún chính hiệu phải được hòa quyện rất nhiều hương vị trong đó. Nào là vị béo của giò heo, vị ngọt của nước lèo, thêm chút vị cay nồng đặc trưng của Huế. Ngoài vị giác, bạn cũng sẽ cảm nhận được mùi thơm nồng của sả và ruốc kèm theo. Để việc thưởng thức trở nên tuyệt vời hơn thì chúng ta không thể bỏ qua các loại rau sống ăn kèm như giá, rau muống, bắp chuối, xà lách,…. Không những làm cho món ăn bắt mắt mà còn thơm hơn rất nhiều nữa đấy.

Cao lầu

Cao lầu giống như một món trộn, thấy nhiều ở Huế, Đà Nẵng và Hội An. Món ăn này được tổng hợp từ nhiều dân tộc. Tên nghe lạ tai có lẽ bắt nguồn từ tiếng Hoa, ý chỉ “cao lương mĩ vị”. Người giàu ngày xưa đi thưởng thức món ăn ở Hội An thường ngồi trên lầu. Việc này để ngắm cảnh phía dưới nên có thể cái tên này xuất phát từ đây.

Thoạt đầu, bạn sẽ thấy Cao lầu giống với Mì quảng nhưng thực chất nó được chế biến công phu hơn. Muốn sợi mì ngon, phải dùng tro nấu từ Cù Lao Chàm đem ngâm gạo. Như thế mới có độ giòn và dẻo khô đặc trưng. Tuy nhiên, nước để xay gạo phải lấy từ giếng Bá Lễ không phèn, mát lạnh. Món ăn truyền thống này không dùng với nước lèo. Mà phải có thịt xíu, nước xíu, tép mỡ, cho thêm ít da heo hoặc cao lầu khô đã chiên giòn. Cùng với đó là một ít đậu phộng rang đặt trên sợi cao lầu. Sau cùng là rưới nước sốt lên và thưởng thức. 

Bánh xèo

Món ăn truyền thống tiếp theo của Việt Nam chính là Bánh xèo. Bánh xèo miền Trung có độ lớn vừa phải và rất giòn. Bánh xèo miền Nam thì chỉ có phần rìa bánh là giòn, phần trong dẻo và dai. Nó nguồn gốc từ người Khmer Nam Bộ.

Cách làm Bánh xèo cũng khá đơn giản. Trộn bột đều với nước cốt dừa, pha thêm ít bột nghệ để tạo thêm sắc vàng là chúng ta đã chuẩn bị xong phần bánh. Phần nhân có thể cho thêm thịt heo, tôm, giá, củ sắn thái sợi,… tùy vào khẩu vị của người ăn. Không kém phần quan trọng đó chính là nước chấm. Nó làm nên hương vị đặc sắc của chiếc Bánh xèo. Nước chấm thường là nước mắm ngọt, cho thêm chút củ sắn và cà rốt thái sợi để tạo thêm màu sắc. Nếu đã ăn một cái rồi, bạn sẽ bị vị ngon của nó làm say đắm mà không thể nào không ăn thêm cái thứ hai, thứ ba nữa đấy.

Ở trên là bốn món ăn truyền thống của Việt Nam mà bTaskee muốn cùng bạn điểm lại. Bạn thích nhất món ăn nào trong số trên? Hãy bình luận và chia sẻ những kinh nghiệm ẩm thực của bạn bên dưới nhé.

Thuý Ngân: