Rằm tháng 7 là một dịp quan trọng không chỉ đối với Phật giáo mà còn của phần lớn dân tộc Việt. Hàng năm, cứ đến rằm tháng 7, nhà nhà đều chuẩn bị mâm cúng tươm tất để thực hiện nghi lễ cúng rằm. Bạn có biết mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì và ý nghĩa rằm tháng 7 là ra sao?
Cùng bTaskee tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Xem thêm:
1. Ý nghĩa ngày rằm tháng 7
Ngày rằm tháng bảy tức ngày 15 tháng 7 âm lịch, có ý nghĩa là ngày “xá tội vong nhân”. Nguồn gốc của ngày này có thể tìm thấy trong cuốn “Tập tục và nghi lễ dâng hương” được hiệu đính bởi Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Trụ trì của Chùa Quán Sứ. Theo đó, ngày rằm tháng 7 vừa có nguồn gốc từ văn hóa của Ấn, vừa pha lẫn nét văn hóa tín ngưỡng của Trung Hoa. Và tất cả những tội nhân ở thế giới bên kia, bao gồm cả những vong linh của gia đình, dòng họ,… đều được ra khỏi địa phủ để lên dương thế.
Chính vì điều này mà rằm tháng 7 hàng năm, các gia đình đều làm lễ cúng dâng hương; đồ ăn đến các vong linh, cô hồn, chúng sinh – những linh hồn không nơi nương tựa. Như vậy, có thể thấy, văn hóa này không chỉ đơn thuần là tâm linh, tín ngưỡng. Nó còn là đời sống tinh thần, thể hiện đạo lý nhân văn, tinh thần hướng về nguồn cội của nhân dân.
Ngoài ra, rằm tháng 7 cũng là Lễ Vu lan báo hiếu, có nguồn gốc từ sự tích Mục Kiền Liên Đại hiếu đã cứu mẹ thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ. Do đó, đây thường là dịp để người con thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn đối với mẹ cha. Đồng thời nhắc nhở về bổn phận làm con, đạo nghĩa sống ở trên đời mà mỗi người nên có.
2. Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào?
Với những ý nghĩa như trên thì nghi lễ cúng rằm thật sự là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, với những ai chưa từng làm việc này thì không biết nên cúng vào ngày nào.
Nói đến ngày rằm thì sẽ là ngày 15 âm lịch hàng tháng. Tuy nhiên, không phải chỉ cúng trong ngày 15 mà có thể cúng trước đó nhiều ngày. Một số quan niệm trong dân gian cho rằng, có thể bắt đầu cúng từ ngày 2 đến ngày 15 của tháng 7.
Nguyên nhân của sự khác biệt này bắt nguồn từ các truyền thuyết trong dân gian. Theo đó, người ta quan niệm rằng, trong tháng 7 âm lịch, bắt đầu từ ngày 2 đến ngày 14 sẽ là thời điểm Diêm Vương cho phép mở Quỷ môn quan – cánh cửa nhốt các vong linh, âm hồn để họ được trở về dương gian. Đến ngày 15 tháng 7 sẽ là ngày giới hạn mở Quỷ môn quan nên các vong hồn sẽ khó trở về để nhận được đồ cúng của người trên dương thế. Từ đó mà hình thành nên thói quen cúng rằm trước ngày 15 là như vậy.
Việc cúng vào rằm tháng 7 cũng có sự khác biệt lớn so với các ngày rằm khác trong năm. Đó là ở lễ cúng thì gồm nhiều lễ cúng ở các vị trí khác nhau: cúng Phật, cúng Gia Tiên và cúng ngoài sân – tức cúng cô hồn, chúng sinh ở bên ngoài.
3. Mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?
Cúng bái là việc làm quan trọng với mỗi gia đình. Do đó, một khi đã tiến hành cúng thì cần phải chuẩn bị thật đầy đủ, đặc biệt là phải đúng với mỗi lễ cúng. Vậy mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì? Như đã nói, rằm tháng 7 thường sẽ có nhiều lễ cúng khác nhau. Chính vì thế nên mỗi lễ cúng sẽ có mâm cúng khác nhau.
Mâm cúng cho lễ cúng Phật
Trong mỗi gia đình theo đạo Phật đều có thờ ít nhất một vị Phật. Do đó, dịp lễ rằm tháng 7 dù có cúng gì thì cũng không thể bỏ qua lễ cúng Phật. Mâm cúng rằm để dâng lên bàn thờ Phật sẽ là mâm cúng chay. Sau đây, bTaskee sẽ gợi ý cho bạn biết mâm cúng chay gồm những gì:
- Xôi, có thể là xôi gấc, xôi đỗ, xôi hạt sen,…
- Các loại chả, nem chay.
- Món xào chay, có thể là rau cải xào nấm hương, bắp sú xào, đậu cô ve xào,…
- Các món canh chay.
- Món đậu hũ chiên hoặc sốt nấm, cà chua.
Mâm cúng Gia Tiên vào rằm tháng 7
Mâm cơm cúng Gia Tiên là để dâng lên ông bà, tổ tiên trong nhà; thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao của ông bà đối với con cháu. Tùy vào mỗi gia đình sẽ có cách chọn mâm cúng Gia Tiên phù hợp. Có nhiều gia đình chọn cúng Gia Tiên như mâm cúng Phật, chỉ có đồ chay. Tuy nhiên, lại có một số gia đình thường làm mâm cơm cúng Gia Tiên bằng các món mặn.
Mâm cúng dù là chay hay mặn thì cũng không thể thiếu các món cơm, canh, xào, mặn, hoa quả,… Đặc biệt, mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì không thể thiếu để đặt lên bàn thờ Gia Tiên? Đó chính là các loại hoa, hương, trà, nến. Vàng mã cũng là một vật phải có mỗi khi cúng Gia Tiên.
Mâm cúng ngoài trời vào ngày rằm tháng 7
Cúng ngoài trời vào rằm tháng 7 chính là cúng cho các cô hồn, những vong linh không có nơi nương tựa. Đây là nghi thức thể hiện sự tôn trọng và tấm lòng từ bi, nhân ái của con người với những người đã khuất theo quan niệm tín ngưỡng dân gian.
Mâm cúng được đặt ở ngoài trời, thường là ở trước cửa của ngôi nhà vào buổi chiều tối. Theo quan niệm của nhiều người thì mâm cúng cô hồn ngoài trời phải là mâm cúng chay chứ không nên cúng đồ mặn. Bởi vì họ quan niệm nếu cúng đồ mặn sẽ vô tình khơi dậy lòng tham của những cô hồn. Mâm cúng chay gồm những gì để cúng cho các cô hồn? Có thể chuẩn bị những món như:
- 12 chén cháo trắng được nấu loãng.
- 12 cục đường.
- 5 loại trái cây theo mùa.
- Nước lọc.
- Một số loại bánh kẹo như bỏng ngô, bánh gạo, kẹo viên, bim bim,…
- Vàng mã gồm quần áo, tiền, vàng.
- 2 ngọn đèn cầy nhỏ.
- 3 nén nhang.
- 1 chén gạo, muối để chung hoặc chia làm hai đĩa nhỏ để riêng gạo và muối.
Rằm tháng 7 sắp cận kề, cho dù bạn có là người theo đạo Phật hay không thì đây cũng là một dịp quan trọng để thể hiện lòng nhân, sự tử tế và từ bi của mình thông qua việc cúng bái phù hợp. Do đó, nắm rõ thông tin mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì sẽ giúp bạn rất nhiều. Từ đó, dịp lễ này chúng ta không còn lúng túng hay cúng sai nữa.