Hoa đậu biếc còn có tên gọi Lam Hồ Điệp, ý chỉ màu sắc tím mộng mơ của nó khiến bao người mê đắm. Không chỉ mang màu sắc lạ, hoa đậu biếc còn có thể sử dụng trong nhiều món ăn, thức uống ngon miệng. Hoa đậu biếc mang sắc tím gửi vào trong từng món ăn, đồ uống khiến không ít người mê mẩn vì cực kì hút mắt. Trong bài viết này, những cô nàng yêu màu tím hãy thử mang hương sắc đặc biệt này vào những món ăn từ hoa đậu biếc mà bTaskee gợi ý dưới đây nhé!
1. Xôi mít hoa đậu biếc
Đun sôi nước, cho hoa đậu biếc vào nấu đến khi hoa nhả hết màu, lọc bỏ xác lấy nước để nguội. Gạo nếp vo sạch, cho vào nước hoa đậu ngâm qua đêm, sáng hôm sau vớt nếp ra để ráo nước, trộn với một chút muối rồi cho vào nồi hấp. Khi nấu được 20 phút thì đồ xôi lên, cho lá dứa vào, rưới thêm một thìa canh nước cốt dừa, xới đều. Lặp lại 3 lần như trước đó. Phần nước cốt dừa còn lại đem đun sôi, thêm một chút đường và muối, cho bột năng pha loãng với nước vào, khuấy đều để nước dừa sánh đặc lại.
Khi xôi đã chín, trộn thêm một chút đường, tránh trộn đường khi còn nóng sẽ khiến xôi bị cứng và khô. Tiếp tục trộn xôi với dừa nạo sợi, tách đôi múi mít (không cắt đứt), vo viên xôi cho vào giữa múi, rắc thêm chút vừng đã rang, khi ăn chỉ cần thêm một chút nước cốt dừa là xong.
2. Thạch hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc khô ngâm với chút nước nóng cho ra nước. Sau đó pha với 1 lít nước và cho lên bếp đun. Vừa khuấy vừa đổ bột rau câu và khuấy liên tục để bột không bị vón cục, nêm đường vừa miệng. Tiếp tục khuấy đến khi hỗn hợp sủi bọt thì đổ ra khuôn, chờ rau câu nguội thì cắt nhỏ và thưởng thức.
3. Trà hoa đậu biếc
Trà hoa đậu biếc có màu sắc đẹp mắt và có hương vị đặc biệt. Trà sẽ giúp cải thiện sức khỏe, giúp giảm nguy cơ ung thư và tình trạng lão hóa sớm. Dùng trà hoa đậu biếc thường xuyên sẽ giúp cải thiện lưu thông máu đến đầu, tránh rụng và bạc tóc.
Để thực hiện, lần lượt cho siro hoa đậu biếc, mật ong vào cốc, đổ nước sôi vào và khuấy đều. Thêm nước quất vào cốc, nên dùng rây lọc khi vắt quả quất để lọc hạt. Cắt sả thành miếng nhỏ hoặc đập dập. Đập dập sẽ thơm hơn và đỡ bị vụn. Cuối cùng, cho sả vào vào cốc và thưởng thức món trà hoa đậu biếc.
4. Trân châu hoa đậu biếc
Cho khoảng 20 bông hoa đậu vào đun với 500 ml nước để lấy màu từ hoa. Sau khi nước sôi, để ngâm từ 5-10 phút rồi bỏ phần hoa. Trộn bột năng với chút đường rồi chế nước hoa đậu vào nhào (lưu ý nhào nước nóng già) đến khi ráo miếng bột và bắt đầu vê viên, sau đó bỏ vào nồi luộc. Khi nào viên nổi đều mặt nước thì tắt bếp om 10 phút cho trân châu chín kĩ. Như vậy sẽ làm trân châu dai lâu. Sau đó vớt ra bát chế nước đường loãng cho tơi hạt không bị dính vào nhau. Có thể ăn trân châu hoa đậu biếc với sữa chua, thêm một chút đá với topping xoài, rất hợp cho những ngày hè nóng nực.
5. Chè khúc bạch hoa đậu biếc
Ngâm lá gelatin vào sữa tươi cho đến khi lá thấm đều vào sữa và nở mềm. Lá gelatin có tác dụng ổn định cấu trúc cho món ăn rất tốt, vì vậy nên sử dụng lá chứ không dùng bột rau câu để món ăn được đẹp mắt nhé. Tiếp theo nấu cách thủy phần lá gelatin đã ngâm, khuấy đều cho hỗn hợp tan hoàn toàn. Khi hỗn hợp đã tan hết, hòa quyện vào với nhau thì cho tiếp sữa, kem tươi cùng với vani, và cuối cùng là cho thêm đường. Pha trà hoa đậu biếc để thu được nước cốt, rồi từ từ cho từng muỗng nhỏ để sắc tím quyện hòa nhẹ nhàng. Tiếp theo, rót hỗn hợp vào trong khuôn sao cho lớp kem sữa dày khoảng 1cm, để qua 4-5 giờ và thu thành quả. Cuối cùng, trang trí những cục chè khúc bạch màu tim xinh xinh với những hoa quả mùa hè bắt mắt nhé!
Không quá khó để thực hiện những món ngon từ hoa đậu biếc phải không nào. Hãy dùng loài hoa mang sắc bắt mắt này để thưởng thức những món ăn ngon và tạo màu sắc bắt mắt cho đồ ăn nhé! Chúc các bạn thành công!
Bài đọc thêm