Các bệnh mùa hè ở trẻ em

Mùa hè với thời tiết nóng ẩm thất thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ các mầm bệnh mùa hè bùng phát mạnh, nhất là các bệnh ở trẻ em. Bởi sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện của trẻ nhỏ, các mẹ cần lưu ý những bệnh mùa hè ở trẻ em mà bTaskee sẽ liệt kê dưới đây để có thể chủ động phát hiện và kịp thời phòng tránh cho trẻ.

Bệnh sốt xuất huyết

Đây là một bệnh mùa hè nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ai cũng có thể mắc phải nhưng đa số trường hợp tử vong rơi vào trẻ nhỏ khi các bé gặp phải biến chứng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa… Khi các mẹ thấy trẻ có triệu chứng sốt cao đột ngột trên 38 độ C, chán ăn, buồn nôn, đau dữ dội vùng trán, đau nhức mình mẩy kéo dài trong nhiều ngày, không kèm theo ho, sổ mũi, phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế xét nghiệm bởi bệnh trở nặng sẽ kèm theo xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chân tay lạnh, nôn ra máu, đi cầu phân đen… Bệnh trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều và vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị sốt xuất huyết, vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ con yêu là phòng bệnh cho bé cũng như cho cả gia đình bằng cách không để muỗi đốt, không cho muỗi có nơi làm tổ và sinh sản.

Sốt xuất huyết luôn là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến trên khắp thế giới (Ảnh: kienthucphothong.info)

Bệnh tay chân miệng

Là một căn bệnh khá phổ biến trong mùa hè, bệnh tay chân miệng luôn là nỗi lo của những mẹ có con nhỏ. “Thủ phạm” chính gây bệnh tay chân miệng là họ hàng virus thuộc nhóm enterovirus A,  gây nên những vết loét trong miệng, trên bàn tay, chân, thậm chí ở mông của bé. Khi thấy bé có các dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn kèm theo những vết loét ở miệng, bóng nước trên da tay, chân, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra và chẩn bệnh kịp thời. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, và phương pháp điều trị chủ yếu vẫn dựa vào thuốc giảm đau, hạ sốt và bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tuy nhiên, mẹ có thể chủ động giúp con phòng bệnh bằng cách vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, không cho trẻ ngậm mút tay, đồ chơi, luôn khử trùng các dụng cụ ăn uống và đồ vật mà trẻ hay tiếp xúc.

Tay chân miệng luôn là nỗi lo của các bà mẹ có con nhỏ (Ảnh: baomoi.com)

Bệnh tiêu chảy cấp

Tiêu chảy là một trong những bệnh mùa hè thường gặp nhất ở trẻ em bởi thời tiết oi bức khiến ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm,… Nếu thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng số lần đi đại tiện ít (3 – 5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày), đau bụng (từng cơn hay liên tục, mót rặn hoặc đau quanh hậu môn), buồn nôn hay nôn,… phải cho trẻ bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch oresol. Truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh kịp thời, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh hay thuốc trị tiêu chảy.

Bệnh tiêu chảy cấp rất thường gặp ở trẻ em (Ảnh: lilyapp.me)

Bệnh rôm sảy

Thời tiết nóng nực, cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ chế tăng thải nhiệt gây nên hiện tượng nổi mụn nhọt, rôm sảy và các mẩn ngứa đỏ ở trẻ nhỏ. Trẻ không được chăm sóc tốt đặc biệt là vấn đề vệ sinh ngoài da kém, rôm sảy sẽ phát triển thành mụn mủ, nhọt, có nguy cơ bị viêm da mãn tính, nặng hơn còn tiến triển thành viêm cầu thận cấp rất nguy hiểm. Để xử trí bệnh mùa hè rôm sảy, các mẹ hãy sử dụng các loại lá như rau diếp cá, dùng lá kinh giới để tắm cho bé trong mùa hè nóng nực, vừa phòng tránh cũng như chữa cho trẻ khỏi bị rôm sảy. Nếu bệnh nặng hơn và cần thiết thì có thể bôi các loại kem chống viêm chứa sterocorticoid. Tuyệt đối không bôi phấn rôm trên da trẻ vì phấn rôm sẽ làm bí đường thoát mồ hôi dẫn đến ứ đọng mồ hôi tạo ra nhiều rôm hơn.

Rôm sảy là căn bệnh rất nguy hiểm và dễ mắc phải trong mùa hè nóng nực (Ảnh: taimuihongsg.com)

Bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản (còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B) là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao, đặc biệt với trẻ nhỏ. Bệnh thường khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 – 40 độ C, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, sau đó co giật, co cứng cơ, lú lẫn. Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn thường dựa vào một số triệu chứng quan trọng là nôn ói nhiều, thóp phồng, khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bế hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não nên nếu phát hiện những triệu chứng trên ở trẻ, mẹ phải đưa bé đến bệnh viện theo dõi và chuẩn đoán ngay. Ngoài ra, để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể nguy hiểm đến não và tính mạng (Ảnh: moki.vn)

Hầu hết những bệnh mùa hè ở trẻ em thường không đáng sợ nhưng nếu các mẹ chủ quan, không có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, hãy trang bị cho mình những hiểu biết về triệu chứng và phương pháp phòng ngừa những căn bệnh mùa hè để con em mình có một sức khỏe lành mạnh trong mùa hè này.

Bài đọc thêm

Mẹo chữa ngạt sữa cho trẻ mà mẹ nào cũng nên biết

Những hiểu lầm không đáng có khi cho trẻ sử dụng túi nhai ăn dặm

Pham Chi: