tiec-noel

Phong Tục Đón Giáng Sinh Độc Và Lạ Trên Thế Giới

Giáng sinh không còn là của riêng một quốc gia nào nữa. Giờ đây, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều cùng mừng Giáng sinh. Thế nhưng, mỗi quốc gia lại có phong tục đón Giáng sinh khác nhau. Ở một số nước còn có những điều dị thường mà người dân sẽ làm vào ngày Noel mà chắc bạn chưa biết. 

1. Iceland cùng truyền thuyết 13 quỷ lùn

Nếu bạn đã nghe nhiều về phong tục đón Giáng sinh cùng những chồng sách cao chất ngay dưới gốc cây thông ở Iceland bởi đất nước này là mệnh danh “đất nước văn học”.

Thế thì hôm nay, bTaskee sẽ đưa bạn đến với một đất nước Iceland hoàn toàn khác với phong tục đón Giáng sinh độc đáo, vui nhộn nhưng hơi có phần rùng rợn. 

Theo như truyền thống, người Iceland sẽ đón Giáng sinh từ rất sớm, cụ thể là 13 ngày trước đêm Giáng sinh.

Trong khoảng thời gian 13 đêm này, trẻ em khắp cả nước sẽ được 13 quỷ lùn có tên gọi là Yule Lad ghé thăm mỗi đêm. Thế nên, trẻ em Iceland trong 13 ngày này, trước khi đi ngủ chúng sẽ treo đôi giày bên cửa sổ. 

quỷ lùn yule lad
13 chú quỷ lùn Yule Lad ở đất nước Iceland (nguồn: Icelandic Mountain Guides) 

Các quỷ lùn Yule Lad này sẽ đến và tặng quà cho những đứa trẻ ngoan ngoãn. Còn những đứa bé hư thì chỉ sẽ nhận được một củ khoai tây thối.

Các quỷ lùn này cũng có tên gọi riêng, mỗi tên gọi đều có ý nghĩa là một hành động hay một điều rắc rối nào đó mà chúng sẽ mang đến như sập cửa, ăn trộm nến, ăn cắp bọt từ xô sữa trong chuồng cừu, ăn cắp thức ăn từ chảo rán,…

2. Ở Áo có nhân vật kinh dị hù dọa trẻ em

Ở những quốc gia khác, phong tục đón Giáng sinh sẽ là trẻ em được nhận quà từ ông già Noel. Nhưng ở quốc gia này, người tặng quà cho các bé lại là hình tượng của ác quỷ Krampus có gậy và roi để đánh đuổi, trừng phạt trẻ hư.

Những người cải trang thành ác quỷ chính là những người đàn ông trẻ tuổi, có thể là anh trai, bố hoặc các bác hàng sớm vì thực chất chẳng có sự tồn tại nào của ác quỷ vào thời hiện đại. 

ác quỷ krampus
Ác quỷ Krampus sẽ là người phạt trẻ em ở nước Áo (nguồn: Tôi là sao) 

Phong tục này bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc của nước Đức và lan rộng ra khắp các nước xung quanh như: Hungary, Bavaria, Slovenia nhưng phổ biến nhất vẫn là ở nước Áo.

Đây là hình phạt dành cho những đứa bé hư, còn những bé ngoan ngoãn sẽ được tặng quà bởi thánh Nicholas thay vì bị phạt bởi ác quỷ Krampus. 

3. Tây Ban Nha đón Giáng sinh bên khúc gỗ

Có thể phong tục đón Giáng sinh bên khúc gỗ là lần đầu tiên bạn nghe và nghĩ rằng mình bị nhầm lẫn điều gì đó. Thế nhưng, đón Giáng sinh bên khúc gỗ lại là phong tục của người dân Tây Ban Nha đấy bạn.

Ở đất nước Tây Ban Nha, phong tục này có tên gọi là Tió de Nadal, nghĩa tiếng Việt là Khúc gỗ Giáng sinh. Khúc gỗ mà người Tây Ban Nha sử dụng có sự đặc biệt ở chỗ nó được gắn mặt cười, gắn thêm chân và đội mũ đỏ.

Những khúc gỗ này sẽ được trẻ em chăm sóc bằng cách cho khúc cây uống nước, giữ ấm khúc cây trong gỗ ấm. 

khúc gỗ giáng sinh
Những khúc cây được xem là biểu tượng Giáng sinh ở Tây Ban Nha (nguồn: The Independent) 

Theo phong tục đón Giáng sinh ở quốc gia này thì trẻ em cần chăm sóc các khúc cây từ ngày 8/12 cho đến đêm Giáng sinh. Và vào đêm Giáng sinh, các em sẽ mang khúc cây ra ngoài, dùng gậy đánh vào khúc gỗ, hát những bài hát để đe dọa nó nhả ra kẹo và quà.

Sau đó, khúc gỗ sẽ bị ném vào lửa. Thế nên, thay vì làm thiệp Giáng sinh hay viết thư cho ông già Noel thì trẻ em ở Tây Ban Nha lại chỉ cần chăm sóc cho khúc cây là được. 

4. Thụy Điển có phong tục đón Giáng sinh độc đáo với tượng dê to lớn

Còn đất nước Thụy Điển xa xôi này thì lại có một phong tục đón Giáng sinh khác đặc biệt nhưng lại rất có ý nghĩa. Vào dịp này, người dân thường sẽ làm nên những tượng dê to lớn và trưng bày ở quảng trường.

Cụ thể, vào năm 1966, ở quảng trường Gavle, một tượng dê bằng rơm cao 13m đã được dựng lên. Sau đêm Giáng sinh kết thúc, mọi người sẽ đốt đi tượng con dê này để ăn mừng lễ.

tượng con dê
Tượng dê to lớn thường được dựng tại quảng trường vào dịp Giáng sinh (nguồn: VnExpress)

Ngoài ra, đất nước này còn có một phong tục đón giáng sinh độc đáo mà ít ai biết đến. Đó chính là cùng nhau xem phim hoạt hình vịt Donald. Cứ vào mỗi buổi chiều ngày Giáng sinh, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên tivi và xem tập phim mừng vịt Donald mừng Giáng sinh. 

Tập phim này có tên theo tiếng Việt có thể hiểu nôm na là “Vịt Donald và những người bạn chúc bạn một Giáng sinh vui vẻ”. Còn nguyên văn ngôn ngữ người Thụy Điển là: Kalle Anka och hans vänner önskar God Jul. 

5. Ấn Độ dùng cây chuối thay vì cây thông

Trong khi cả thế giới đều dùng cây thông, thật có giả có để trang trí vào dịp Giáng sinh thì Ấn Độ lại có phong tục đón Giáng sinh hoàn toàn khác biệt.

Người dân Ấn Độ sử dụng và trang trí cây chuối thay vì cây thông. Điều này là do ở Ấn Độ chỉ có một phần nhỏ người theo đạo Kito nên họ chọn cách khác biệt này để đón Giáng sinh. 

Dù là dùng cây chuối nhưng người dân Ấn Độ vẫn trang hoàng nó theo cách thức của một cây thông. Họ cũng học cách làm quả cầu tuyết, tự tay làm rồi treo lên cây, gắn thêm ngôi sao và dây kim tuyến cho cây trông thật lộng lẫy. 

6. Ukraine gắn nhện vào cây thông để trang trí

Ở Ukraine tuy không có việc dùng cây chuối hay khúc cây để đón Giáng sinh nhưng lại có khác biệt ở cách trang trí. Cây thông ở nước này được trang trí với quả cầu tuyết handmade, vòng nguyệt quế, ngôi sao theo giống như ở những nơi khác nhưng thêm vào đó là được trang trí thêm mạng nhện.

Việc trang trí thêm mạng nhện bên trên cây thông là vì theo quan niệm của người Ukraine, có mạng nhện xuất hiện trên cây thông vào ngày Giáng sinh sẽ mang đến nhiều điều may mắn. 

cây thông gắn mạng nhện
Cây thông ở Ukraine được trang trí thêm mạng nhện (nguồn: Pinterest) 

7. Nauy có phong tục đón Giáng sinh là giấu chổi

Ở Nauy có phong tục đón Giáng sinh vô cùng độc đáo và chưa từng có ở bất kỳ nơi nào. Phong tục nơi đây chính là “giấu chổi”. Nghe thì có vẻ không liên quan gì đến Giáng sinh, thế nhưng nó lại có ý nghĩa đặc biệt theo quan niệm của người dân nơi đây. 

phong tục giấu chổi nauy
Người Nauy sẽ giấu hết chổi trong nhà và đêm Giáng sinh (nguồn: anninhthudo.vn)

Theo như người Nauy, họ tin rằng vào đêm Giáng sinh sẽ có rất nhiều phù thủy và các linh hồn xấu xa sẽ thoát ra. Chúng sẽ lấy cắp những chiếc chổi để bay lên trời.

Chính vì thế, người Nauy trước khi đi ngủ sẽ giấu chổi để phù thủy hay ma quỷ, linh hồn xấu xa không thể lấy chổi để bay đi khắp nơi gieo rắc tai họa và gây hại cho mọi người. 

8. Phần Lan ngủ trên sàn nhà vào đêm Giáng sinh

Có phong tục lạ lùng này là do những quan niệm của người Phần Lan ngày xưa. Họ cho rằng, Giáng sinh là thời điểm mà các linh hồn của những người đã khuất trong gia đình quay về và lên giường để nghỉ ngơi.

Chính vì thế, những người Phần Lan thường chọn cách ngủ dưới sàn nhà và nhường giường của họ cho người đã khuất. 

ngủ trên sàn nhà
Phong tục đón Giáng sinh của người Phần Lan là ngủ ở sàn nhà (nguồn: anninhthudo.vn)

Phong tục này không đơn thuần chỉ là để đón Giáng sinh mà nó còn dùng để thể hiện sự tưởng nhớ đối với những người đã khuất. Ngoài việc nhường giường thì người Phần Lan còn cùng gia đình đi thăm mộ các thành viên đã mất, chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ, cùng thắp nến lên để cúng tổ tiên. 

9. Ba Lan thả cá chép vào bồn tắm

Nếu ở Việt Nam thả cá chép xuống ao hồ, sông suối vào mỗi 23 tháng Chạp để tiễn ông Táo về trời thì ở đất nước Ba Lan lại thả cá chép vào bồn tắm vào mỗi dịp Giáng sinh. 

Phong tục đón Giáng sinh độc đáo ở đất nước này cụ thể là: người dân thả cá vào bồn tắm của gia đình từ 2 – 3 ngày trước đêm Giáng sinh. Đến hôm Giáng sinh, cá chép sẽ được bắt lên và chế biến thành một trong những món ăn cho đêm Giáng sinh. 

thả cá chép vào bồn tắm
Người dân Ba Lan có phong tục thả cá chép vào bồn tắm (nguồn: Colorado Public Radio) 

Phong tục này hình thành do người dân ở đây có quan niệm rằng những chiếc vẩy cá chép sẽ mang đến sự may mắn thịnh vượng cho năm mới.

Ngoài ra, khi thả cá bơi lội trong bồn tắm 2 – 3 ngày sẽ làm cho thịt cá trở nên tươi ngon hơn trước khi đem chế biến phục vụ bữa tiệc đêm Giáng sinh. 

10. Người Nhật gửi lời chúc bằng thiệp trắng

Thường thì các tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh sẽ có màu đỏ, xanh hoặc các màu sắc sặc sỡ để thể hiện không khí vui tươi, ấm áp. Nhưng ở Nhật thì hoàn toàn ngược lại.

Người Nhật gửi lời chúc bằng thiệp trắng
Thiệp trắng chúc mừng giáng sinh của người Nhật

Văn hóa người Nhật kiêng kỵ việc tặng hay gửi những lời chúc Giáng sinh cho nhau bằng những tấm thiệp đỏ. Vì họ quan niệm rằng, chỉ những tờ cáo phó mới mang màu sắc đó.

Do đó, vào những ngày lễ Giáng sinh họ sẽ gửi tặng nhau những tấm thiệp màu trắng như những bông tuyết, tượng trưng cho sự trong sạch và tình cảm chân thành nhất.

11. Người Bồ Đào Nha chừa 1 chỗ trên bàn ăn

Lễ Giáng sinh thường là dịp để  những người thân trong gia đình toàn tụ và sum họp.  Nhưng ở Bồ Đào Nha thì đây lại là dịp để tưởng nhớ các thành viên đã quá cố. 

Người Bồ Đào Nha chừa 1 chỗ trên bàn ăn
Người Bồ Đào Nha sẽ chừa một chổ trống trên bàn ăn cho người quá cố

Vì vậy, mỗi gia đình tại Bồ Đào Nha luôn để dành một chỗ trống trên bàn ăn với hàm ý để cho người thân với mong muốn những người thân yêu quá cố của họ sẽ mang lại may mắn cho gia đình.

12. Latvia với lễ hội kịch câm

 Khi đến với Latvia, du khách sẽ được trải nghiệm được lễ hội chào đón Giáng sinh ngay trên đường phố. 

Lễ hội kịch câm vô cùng đạo đáo tại Latvia
Lễ hội kịch câm vô cùng đạo đáo tại Latvia

Người dân xứ Latvia có một phong tục kỳ lạ vào lễ Noel là những vũ công sẽ đeo mặt nạ hóa trang, thường là: mặt nạ gấu, ngựa, dê, dân gipxi. Thú vị hơn nữa là họ sẽ giả thây ma để đi dạo và diễn kịch câm.

13. Giáng sinh tại Philippines kéo dài hơn 4 tháng 

Thường thì chúng ta sẽ chỉ đón Giáng sinh trong 2 ngày là 24 và 25 hoặc các quốc gia khác kéo dài khoảng 1 tuần.

Nhưng tại Philippines Giáng sinh lại kéo dài hơn 4 tháng, các công tác chuẩn bị lễ của người dân nơi đây được bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài tới tận chủ nhật đầu tiên của tháng 1 năm sau.

Người Philippines đón giáng sinh với những chiếc lồng đèn giấy "Parol"
Người Philippines đón giáng sinh với những chiếc lồng đèn giấy “Parol”

Đặc biệt, nét đặc sắc riêng trong lễ Noel của người Philippines là người dân sẽ dùng những chiếc lồng đèn giấy “parol” để trang trí thay cho cây thông.

14. Tại Ý, ông già Noel bị lãng quên

Vào ngày Giáng sinh, thường các đứa trẻ sẽ viết thư và mong chờ được nhận quà từ ông già Noel. 

Nhưng tại Ý, thì không có sự xuất hiện của ông già Noel trong đêm Giáng sinh. Thay vào đó họ lại có phong tục hoá trang thành những bà phù thủy để đi phát quà. 

Bà phù thủy phát quà Noel tại Ý
Bà phù thủy phát quà Noel tại Ý trong những đêm giáng sinh

Những bà phù thuỷ sẽ đi đến từng nhà và tặng mọi người các món quà họ yêu thích trong đêm Giáng sinh.

15. Đức với món ăn truyền thống nổi tiếng

Tại Đức, trong hai ngày 25 và 26 tháng 12 đều là ngày nghỉ hợp pháp và được gọi là ngày Giáng sinh thứ nhất và ngày Giáng sinh thứ hai. Trên khắp cả nước, các gia đình đều trang trí vòng hoa Advent (Adventskranz) cùng bốn ngọn nến. Và một trong số bốn ngọn nến đó sẽ được thắp sáng vào bốn ngày chủ nhật trước Giáng sinh.

Giáng sinh là một truyền thống của người Đức, trong đó nổi bật nhất là món bánh ” Dresdner Christstollen “. Ngày xưa thường gọi là bánh Striezel – nổi tiếng đến nỗi chợ lấy tên theo món ăn này.

Loại bánh nổi tiếng tại xứ Đức, món quà thường được mua tặng cho người thân
Dresdner Christstollen” – Loại bánh nổi tiếng tại xứ Đức, món quà thường được mua tặng cho người thân (Nguồn: backlinse)

16. Hà Lan – Mỗi năm ông già Noel đến một bến cảng khác 

Cũng giống các quốc gia Tây Âu khác, không khí lễ hội ở Hà Lan bắt đầu từ mùa Vọng, đặc biệt từ đêm Thánh Nicolas 6/12.

Theo truyền thuyết, hằng năm vị Thánh bổn mạng sẽ đi thuyền từ Amsterdam tới thành phố cùng người cộng sự Black Peter của mình ăn mặc như một người Moor. Họ sẽ được chào đón nồng nhiệt và cùng mọi người tráo đổi quà cùng chuẩn bị cho mùa Giáng sinh.

 Ông già Noel tại Hà Lan
Ông già Noel tại Hà Lan

Ở Hà Lan, ngày 25 tháng 12 cũng được coi là một ngày nghỉ hợp pháp. Tuy nhiên ngày này sẽ không có phần quà tặng bởi hầu hết mọi người đã tặng quà nhau trong lễ hội Sinterklaas Avond. Ngày lễ Giáng sinh sẽ có các hoạt động tại nhà thờ, buổi hòa nhạc, các buổi biểu diễn độc tấu và các triển lãm trưng bày tài liệu tôn giáo.

17. Nước Anh với phong tục ăn bánh pudding vào đêm Noel

Giáng sinh là khoảng thời gian mà trẻ em mong chờ nhất trong một năm. Vào đêm Giáng sinh, bánh pudding được sử dụng như một món ăn và một món đồ trang trí, với mong muốn mang lại may mắn đến mọi người. 

Đây cũng là dịp để mọi gia đình có thể sum họp để cùng nhau thưởng thức các món ngon và gửi tặng nhau các món quà. Giáng sinh sẽ được tổ chức trong ba ngày bao gồm: Christmas Eve (24/12), Christmas Day (25/12) và Boxing Day (26/12). Trong đó, người Anh sẽ không ăn lễ vào đêm ngày 24 mà sẽ ăn vào chiều ngày 25 tháng 12. Và lễ vào buổi sáng ngày 25 cũng là lễ quan trọng nhất đối với người Anh. 

Món bánh nổi tiếng của Anh
Món bánh nổi tiếng của Anh 

18. Mỹ (Hoa Kỳ) đón giáng sinh với nhiều phong tục 

Giáng sinh trên nước Mỹ được tổ chức theo rất nhiều cách khác nhau và mỗi nơi đều có những nét độc đáo riêng. Theo đó, trẻ em trên đảo Hawaii tin rằng ông già Noel sẽ xuất hiện từ một chiếc thuyền. Còn những đứa trẻ ở Alaska lại mang theo những ngôi sao khổng lồ khi đi dạo và cùng hát những ca khúc về Giáng sinh.

Tại New Mexico, các gia đình sẽ trang trí những ngôi sao cùng đèn lồng giấy ở bên ngoài, ở Texas trẻ em sẽ tham dự lễ hội Posadas, đây là lễ hội giống như ở Mexico. Các con đường ở New York, Philadelphia đến Washington D.C sẽ đều được thắp đèn sáng rực rỡ, các trung tâm thương mại hay các cửa hàng ở hai ven đường đều tràn ngập cây thông Noel, ông già Tuyết, vòng nguyệt quế, hộp quà trang trí,…

Ông già Noel trên chiếc thuyền
Ông già Noel trên chiếc thuyền

Phong tục tặng quà của người Mỹ cũng được xem là rất đặc biệt. Các hộp quà thường được gói bằng loại giấy sáng màu và họ sẽ trao tặng quà một cách bí mật. Họ sẽ bí mật chọn một thành viên trong gia đình để gửi tặng đến người đó món quà bất ngờ. 

Bên cạnh đó, các gia đình ở Mỹ cũng thường để bánh quy và sữa dưới gốc cây hoặc trong chiếc tất treo bên lò sưởi dành cho ông già Noel. Với mong muốn khi ông già Noel đến tặng quà thì cũng nhận lại được món quà từ họ.

19. Pháp – Tặng kẹo Socola hình vuông ứng với 24 ngày từ đầu tháng 12

Tại Pháp đặc biệt là ở Paris và Lyons, người dân thường tổ chức những màn biểu diễn múa rối và đêm Giáng sinh. Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ sẽ mua tấm lịch “Calendrier de I Vvent” để dành tặng cho con mình. Tấm lịch rất đặc biệt khi bên trong có chứa những viên kẹo socola hình vuông, mỗi viên kẹo tượng trưng cho một cửa sổ và trên đó có đánh số từ mùng 1 đến 24 và chúng được sắp xếp một cách lộn xộn. Vào mỗi buổi sáng kể từ ngày 1/12 bọn trẻ sẽ phải tìm số ngày được ghi trên lịch, sau đó mở cửa sổ và nhận một viên kẹo socola.

Tấm lịch trong hình dáng cây thông trắng cùng những túi kẹo
Tấm lịch trong hình dáng cây thông trắng cùng những túi kẹo (Nguồn: Francoise Rachez.)

20. Nga – Làm 12 món ăn tượng trưng 12 vị tông đồ của Chúa

Giáng sinh tại đất nước này cùng nhiều nước ở khu vực Đông Âu sẽ rơi vào ngày 7/1 bởi họ không dùng lịch Gregory có từ thế kỷ XVI mà dùng lịch Julius. 

Và đặc biệt, ông già Noel ở Nga không mặc đồ màu đỏ mà sẽ mặc đồ màu xanh và có một người cháu là Công chúa Tuyết đi theo trợ giúp. Công chúa sẽ phụ trách công việc trao quà cho trẻ em. Hầu hết người Nga đều quan niệm Giáng sinh chính là dịp để họ có thể nghỉ ngơi.

Ngày đầu tiên của kì nghỉ lễ Giáng sinh ở Nga, các bà vợ sẽ đảm nhiệm công việc dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa ăn đủ 12 món cho đêm Giáng sinh. Trong đó các món như Kutya (món tráng miệng làm từ ngũ cốc, nho khô, mật ong và hạt anh túc) và Pagach (chiếc bánh mì cỡ lớn) cùng món cháo đặc được nấu từ lúa mì và nho khô hoặc đại mạch là không thể thiếu.

Phong tục đón Noel ở Nga với 12 món ăn
Phong tục đón Noel ở Nga với 12 món ăn

Theo truyền thống, người Nga sẽ đổi áo và đeo mặt nạ vào đêm Giáng sinh để không ai nhận ra mình. Sau đó họ sẽ  đổ chức các trò chơi, và cùng nhau nhảy các điệu nhảy truyền thống tại nhà hoặc trên đường phố. Ngoài ra, người Nga cũng sẽ đi các nhà khác, hát các bài hát tặng gia chủ và gửi đến họ những lời chúc tốt lành. Còn gia chủ sau đó sẽ mời người đến nhà mình ăn những món ngon hoặc tặng tiền cho họ.

Một số câu hỏi thường gặp

Truyền thống và phong tục của ngày lễ giáng sinh là gì?

Truyền thống của ngày lễ Giáng sinh

Theo lịch của Công giáo sẽ có 4 tuần mùa Vọng trước khi đến lễ Giáng sinh và sau đó sẽ là mùa Giáng sinh (12 ngày).

Lễ Giáng sinh là ngày của những người theo đạo Kitô giáo, với mục đích là kỷ niệm ngày ra đời của người lãnh đạo tôn giáo của mình, người được coi là Thiên Chúa giáng thế làm người. Nhưng theo thời gian, dần dần các lễ hội của người phương Tây ngày càng trở nên trang trọng và linh đình. Cho đến hiện nay, ngày lễ Giáng sinh đã được xem là một ngày lễ quốc tế, với các đặc trưng không thể thiếu như ông già Tuyết và cây thông Noel.

Tên gọi Christmas bao gồm chữ Christ và chữ Mas. Theo đó, Christ (Đấng chịu sức dầu) mang nghĩa là tước vị của Thánh Giuse. Chữ Mas là viết tắt của chữ Mass có nghĩa là thánh lễ. Khi hai chữ Christ và Mas được ghép lại với nhau sẽ thành Christmas và mang nghĩa là ngày lễ Đấng Christ, tức ngày lễ Giáng sinh của Đức Giêsu.

Phong tục của ngày lễ Giáng sinh

– Trang trí cây thông Noel: Cây thông Noel được trang trí bằng các quả cầu sáng lấp lánh lên cành thông, giăng các chuỗi hạt cườm và đèn nhấp nháy thành từng vòng và để rũ xuống, điểm nhấn là ngôi sao lấp lánh trên đỉnh cây thông. Dưới gốc thông đặt các hộp quà được gói bằng giấy bóng sáng. Thường cây thông thường được đặt gần lò sưởi và gần chiếc tất được chuẩn bị để nhận quà từ ông già Noel. Một món đồ đặc trưng khác của lễ Giáng sinh đó chính là vòng nguyệt quế kết từ thông.

– Đường phố ngày Giáng Sinh: Trước Giáng sinh cũng là khoảng thời gian trước năm mới, khắp các tuyến phố đều được trang trí đèn hoa vô cùng rực rỡ.

– Ban nhạc Giáng Sinh: Theo truyền thống phương Tây sẽ luôn có một ban nhạc nhỏ ở góc phố để hát những ca khúc chào đón Giáng sinh.

– Ông già Noel hay còn được gọi là ông già Tuyết, là nhân vật không thể thiếu trong bất cứ mùa Giáng sinh nào giống như hình ảnh của cây thông Noel và những hộp quà. Đặc điểm của ông già Noel là chiếc bụng tròn, thân hình đầy đặn với râu tóc bạc trắng và bộ đồ màu đỏ bao gồm cả chiếc mũ nhọn và thắt lưng da màu đen.

– Bữa tối ấm cúng, sum vầy: Trong văn hoá Giáng sinh chắc chắn không thể thiếu kế hoạch cho các món ăn mà cả nhà sẽ cùng ngồi bên nhau để thưởng thức và trò chuyện.

Nước nào đón chào Giáng Sinh hoành tráng nhất?

1. Làng Lapland (Phần Lan)

Đây được cho là nơi mà ông già Noel sinh sống, vậy nên địa điểm này lúc nào cũng thu hút lượng khách du lịch. Sẽ luôn có sự xuất hiện của người đàn ông đóng vai ông già Noel trong bộ đồ đỏ vô cùng vui nhộn. Giữa khung cảnh trắng xoá được bao phủ bởi tuyết, ngôi nhà của ông già Tuyết hiện lên đầy sinh động và ấm áp.

Đặc biệt, mùa đông ở đây thường trở nên hấp dẫn hơn bao giờ khi có hiện tượng Bắc cực quang, đàn tuần lộc từ trong khu rừng, lâu đài tuyết, công viên giải trí Santa,..

Làng Lapland trong một đêm đón giáng sinh
Làng Lapland trong một đêm đón giáng sinh

2. Thị trấn Busch Gardens Tampa (Mỹ)

Đây chỉ là một công viên giải trí bình thường nhưng mỗi khi dịp Giáng sinh đến, nơi đây sẽ biến thành “lãnh thổ” của ông già Noel. Các trò chơi trong khu vui chơi này được đặt những cái tên vô cùng dễ thương như làng Kỷ niệm, hẻm Kẹo ngọt hay đường Đá lạnh,…

Công viên giải trí tại thị trấn Busch Gardens Tampa (Mỹ)
Công viên giải trí tại thị trấn Busch Gardens Tampa (Mỹ)

Thú vị hơn là bạn sẽ tận mắt chiêm ngưỡng quá trình ông già Noel cùng những người cộng sự tự tay chuẩn bị những món quà để gửi tặng những bạn nhỏ.

3. Thành phố Zurich (Thuỵ Sĩ)

Địa điểm cực hot của Thuỵ Sĩ là Zurich từ lâu đã rất tuyệt vời bởi sự kiến tạo của 12000 chiếc đèn pha lê sáng lung linh, chúng được ví như những cây Giáng sinh đang tỏa sáng rực rỡ.

Một sân khấu hình tam giác được trang trí đủ lại cây xanh cùng ánh đèn lấp lánh vô cùng rực rỡ. Cùng với đó là âm thanh ngọt ngào từ những ca khúc Giáng sinh được trình bày bởi các đoàn hợp ca.

Zurich nơi đón Noel tuyệt vời nhất bởi sự hấp dẫn từ những chiếc đèn pha lê
Zurich nơi đón Noel tuyệt vời nhất bởi sự hấp dẫn từ những chiếc đèn pha lê

Cùng bạn bè và người thân thưởng thức một tách chocolate nóng hay ghép rạp xiếc Conelli và đến nhà thờ hát thánh ca đều là những hoạt động thú vị rất đáng trải nghiệm.

3 quốc gia nào không tổ chức lễ Giáng sinh?

1. Ả Rập Xê Út

Là quốc gia có quan hệ vô cùng khăng khít với các nước Phương Tây. Tuy nhiên, đây lại là nước hồi giáo với phần lớn người Sunni sinh sống. Họ quan niệm nếu tổ chức ăn mừng lễ Giáng sinh của Thiên chúa giáo nghĩa là họ đang đi ngược lại với giáo lý truyền thống đạo Hồi của mình.

2. Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên luôn được biết tới như một quốc gia sống “khép kín”, họ không mấy niềm nở với phương Tây cũng như văn hoá phương Tây. Vì vậy, lễ Giáng sinh ở nước này không được đón nhận và thậm chí còn bị cấm và đề phòng một cách nghiêm ngặt

Trước đó, có nhóm người Thiên chúa giáo từ Hàn Quốc đã dựng một toà tháp trang trí chào đón Giáng sinh tại giới tuyến phi quân sự 38. Điều này đã khiến Triều Tiên tức giận và lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc một cách nghiêm trọng rằng họ đang có hành vi khiêu khích nước mình. Triều Tiên cũng đã yêu cầu phía Hàn Quốc gỡ tòa tháp này nếu không họ sẽ sử dụng đại bác để phá bỏ.

3. Somalia

Đây là quốc gia thuộc khu vực châu Phi và có phần lớn người theo đạo Hồi, vậy nên Giáng sinh cũng bị cấm tại đây. Lý do của họ giống với Ả Rập Xê Út bởi lễ Giáng sinh không phù hợp và nó đi ngược lại giáo nghĩa truyền thống.

Hằng năm, mỗi khi đến lễ Giáng sinh, chính phủ sẽ đưa ra thông báo để nhắc nhở người dân rằng chúc mừng cho ngày Giáng sinh là hành vi trái pháp luật. Đặc biệt hơn khi chính phủ còn cảnh báo rằng việc chúc mừng cho ngày lễ này có thể trở thành thời cơ cho các phần tử khủng bố hoạt động khi chúng dễ dàng trà trộn và tấn công khủng bố.

Vì những người theo đạo có mặt khắp nơi trên thế giới nên việc có nhiều phong tục đón Giáng sinh khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Tuy có nhiều sự khác biệt nhưng chung quy thì cách đón Giáng sinh nào cũng mang đến cho mọi người niềm vui đúng không nhỉ!

Nếu bạn muốn Noel năm nay không bị nhàm chán vì chỉ chuẩn bị như những năm trước thì bạn có thể tham khảo những phong tục của các nước khác nhau được nêu ở trên thử nhé. bTaskee tin chắc bạn và gia đình sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời. 

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Bài viết liên quan
app-banner-btaskee-vie