Là phái đẹp, hẳn bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải đối mặt với ít nhất đôi ba lần chậm kinh. Ngày đèn đỏ đến “không đúng hẹn” đôi lúc cũng khiến các chị em hết sức lo lắng. Bạn biết không, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm kinh, mặc dù điều đó có thể là bình thường nhưng nhiều lúc lại tiềm ẩn những nguy hiểm. Hãy cùng bTaskee tìm hiểu thêm nhé!
1. Mang thai
Chậm kinh được xem là dấu hiệu có thai sớm ở phụ nữ. Chị em phụ nữ nếu có quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp phòng tránh mà bị chậm kinh trên 7 ngày thì nên mua que thử thai về để thử hoặc đi làm các xét nghiệm tại những cơ sở y tế chuyên khoa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị chậm kinh cũng là do mang thai. Vì vậy, loại trừ nguyên nhân chậm kinh do có thai thì chậm kinh còn có thể do một số nguyên nhân khác dưới đây.
2. Thường xuyên bị căng thẳng, stress
Gần đến chu kỳ kinh nguyệt nhưng chị em lại gặp một chuyện buồn phiền, đau khổ, tâm trạng không ổn định, căng thẳng, lo âu, stress, suy nghĩ quá nhiều… tất cả những yếu tố tâm lý đó sẽ ức chế sự rụng trứng, khiến trứng rụng muộn và kì kinh sẽ đến muộn hơn bình thường. Để cải thiện tình trạng chậm kinh trong trường hợp này chị em phụ nữ cần giữ cho tâm trạng của mình luôn được vui vẻ, thoải mái bằng cách tạo cho mình những cách thư giãn khiến tâm tư luôn vui vẻ.
3. Giảm cân quá nhiều hoặc luyện tập thể thao quá sức
Giảm cân đột ngột hoặc tập luyện thể thao quá sức cũng là một trong những nguyên nhân gây trễ kinh nguyệt ở nữ giới. Thiếu cân hoặc tỷ lệ mỡ thấp có thể làm thay đổi mức hoóc-môn sinh sản, làm hoóc-môn giảm tới mức rụng trứng và kinh nguyệt không xảy ra. Để khắc phục tình trạng này chị em phụ nữ nên ăn uống điều độ để bản thân không quá béo cũng như không quá gầy. Khi cơ thể bạn trở lại bình thường thì hiện tượng chậm kinh nguyệt sẽ tự động biến mất.
4. Béo phì
Giống như giảm cân có thể gây mất kinh, thừa cân cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Béo phì và mất kinh đôi khi có thể dấu hiệu của bệnh lý, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), vì thế việc được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh là rất quan trọng. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu hoặc siêu âm buồng trứng để đảm bảo rằng không có bệnh lý nào gây chậm kinh.
5. Hút thuốc
Hút thuốc lá luôn có hại cho sức khỏe, và đây cũng là một trong những hung thủ không gây nên chậm kinh ở nữ giới mà còn kéo theo các bệnh nguy hiểm đến chức năng sinh sản. Nếu phụ nữ bắt đầu hút thuốc ở độ tuổi trẻ và hút nửa bao cho đến một bao mỗi ngày, nguy cơ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt của họ sẽ tăng đáng kể. Bởi lẽ, việc hút thuốc và nicotine làm giảm phân phối oxy đến các khu vực xương chậu, do đó gây nên tắc nghẽn vùng chậu, và gặp hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, hút thuốc có thể khiến các ống dẫn trứng bị trục trặc, một nguyên nhân dẫn đến vô sinh và giảm chất lượng cũng như số lượng trứng.
6. Uống rượu
Uống quá nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến hóc-môn sinh sản và chậm kinh nguyệt. Một nghiên cứu của Nhật Bản năm 2012 cho thấy phụ nữ uống rượu quá mức sẽ bị rối loạn kinh nguyệt và ít trứng dự trữ hơn đáng kể so với những người khác. Tình trạng này có thể dẫn đến vô sinh trong tương lai.
7. Tác dụng phụ của thuốc
Theo các bác sĩ phụ khoa, nếu chị em phụ nữ đang sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày (thuốc nội tiết tố, thuốc chống đông máu, thuốc giảm cân, hoặc các loại thuốc chống rối loạn đông máu, an thần…) hoặc sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp cũng như thuốc tránh thai hàng ngày cũng là những yếu tố khiến chị em phụ nữ bị chậm kinh nguyệt. Để cải thiện tình trạng chậm kinh trong trường hợp này thì chị em phụ nữ cần hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa để ngưng việc sử dụng thuốc. Đối với những chị em phụ nữ bị chậm kinh do thuốc tránh thai hàng ngày hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để xem có nên tiếp tục thuốc tránh thai không, nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bạn quá nặng thì nên ngưng sử dụng thuốc và có thể thay thế các biện pháp tránh thai an toàn khác.
8. Mắc các bệnh phụ khoa
Viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ cổ tử cung, bị buồng trứng đa nang hoặc các bệnh về bệnh suy buồng trứng hoặc viêm buồng trứng hay một số các bệnh về đông máu… khiến nữ giới thường bị chậm kinh nguyệt. Để nhận biết được hiện tượng này thì chị em phụ nữ cần quan sát, theo dõi kỳ kinh của mình xem có những biểu hiện bất thường như: máu kinh bị vón cục, máu kinh có mùi hôi hay màu sắc lạ hay không? Đồng thời theo dõi biểu hiện sức khỏe khác đặc biệt là những dấu hiệu như có bị đau bụng dưới âm ỉ hay không, hoặc có bị ra nhiều dịch tiết âm đạo màu nâu, màu vàng và vùng kín có mùi hôi hay không?
Trên đây là những chia sẻ của bTaskee xoay quanh những nguyên nhân chậm kinh nguyệt ở nữ giới. Hiểu biết được rõ ràng những nguyên nhân gây chậm kinh có thể giúp chị em biết rõ tình trạng của mình để không quá lo lắng. Biết được biện pháp điều trị đúng đắn sẽ giúp chị em nhanh chóng chấm dứt tình trạng chậm kinh để đưa chu kỳ kinh nguyệt của mình trở lại bình thường. Hãy trang bị ngay cho mình những kiến thức này để bảo vệ sức khỏe của bản thân và hạnh phúc gia đình nhé!
Bài đọc thêm