Nấm linh chi là loại thảo dược quý hiếm, được ưa chuộng ở Việt Nam mặc dù có giá thành khá đắt. Loại nấm này có tác dụng phòng ngừa ung thư. Cách sử dụng nấm linh chi cũng khá đa dạng, có thể bào chế theo các dạng trà, bột,… Tùy vào mục đích sử dụng có thể kết hợp thêm cam thảo, mật ong.
Lợi ích, công dụng của nấm linh chi
Thống kê từ tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), Việt Nam đứng 56 trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ 104,4/100.000 người.
Qua đây ta thấy rằng, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong tương đối cao. Vì vậy, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là vấn đề cần được quan tâm nhất. Bên cạnh các biện pháp ăn uống khoa học, tập luyện thường xuyên, cải thiện môi trường sống, mọi người có thể cân nhắc sử dụng nấm linh chi – dược liệu thiên nhiên có tác dụng phòng chống căn bệnh hiểm nghèo này.
Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum. Loại nấm này có chứa đến 400 dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
“Một trong những dược chất quý hiếm có trong nấm linh chi là germanium, có tác dụng loại trừ và kìm hãm sự tăng trưởng của tế bào ung thư” – Khẳng định này được đưa ra bởi Dược sĩ chuyên khoa 1 Trương Thành Trong.
Nấm linh chi giúp ngăn ngừa ung thư
Nấm linh chi được xem là “vua” của các loại thảo dược. Bộ Y tế đã ghi nhận công dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư của nấm linh chi. Trên thực tế, một nghiên cứu trên 4.000 người sống sót sau ung thư vú cho thấy khoảng 59% người có sử dụng nấm linh chi.
Dược chất Germanium beta-D-glucan giúp ngăn ngừa sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Theo đó, dược chất này sẽ ngăn cản sự hình thành mạch máu nuôi tế bào ung thư như: ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt,… Ngoài ra, polysaccharides trong nấm linh chi giúp khôi phục tế bào tuyến tụy, thúc đẩy tăng tiết insulin, giảm huyết trong máu rất tốt cho người bị tiểu đường. Vì vậy, dùng nấm linh chi kết hợp với hóa trị ung thư rất phổ biến hiện nay.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Cũng giống như tác dụng của đậu phộng, tác dụng của đậu nành, nấm linh chi rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần trên 26 người cho thấy rằng nấm linh chi có thể làm tăng cholesterol HDL “tốt” và giảm chất béo trung tính (chất béo trung tính cao là nguyên nhân gây nên bệnh mỡ máu, máu nhiễm mỡ).
Các dược chất trong nấm linh chi có tác dụng ngừa đông máu trong các mạch máu, giảm viêm, huyết áp. Từ đó, tăng cường sức khỏe tim mạch.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Một trong những tác dụng quan trọng nhất của nấm linh chi đó là tăng cường hệ thống miễn dịch. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng linh chi có tác dụng tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu của cơ thể, giúp chống lại nhiễm trùng, các tế bào ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ung thư.
Có thể chống lại sự mệt mỏi và trầm cảm
Tác dụng của linh chi đối với hệ thống miễn dịch thường được nhấn mạnh nhất, nhưng nó cũng có những công dụng tiềm năng khác, có thể kể đến là cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một nghiên cứu được triển khai trên 48 bệnh nhân đang mệt mỏi vì bệnh ung thư vú và đang trong quá trình điều trị nội tiết. Nghiên cứu này đã cho thấy tình trạng mệt mỏi của những bệnh nhân này đã giảm và sức khỏe được cải thiện sau 4 tuần dùng bột linh chi mà không có tác dụng phụ đáng kể nào xảy ra.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, các phân tử được tìm thấy trong nấm linh chi có thể làm giảm lượng đường trong máu và insulin từ đó có hiệu quả trong việc điều trị bệnh đái tháo đường. Loại nấm này có khả năng cải thiện cách thức cơ thể sử dụng insulin để vận chuyển đường từ máu đến các mô, do đó có thể kiểm soát lượng đường trong máu.
Cách sử dụng nấm linh chi hiệu quả
Để nấm linh chi có thể bảo toàn tuyệt đối dược chất và phát huy công dụng, cách sử dụng nấm linh chi phổ biến nhất hiện nay là bào chế ở dạng bột, trà hoặc chiết xuất dạng lỏng.
Cách sơ chế nấm linh chi
Nấm linh chi hiện nay được bày bán tại nhiều cửa hàng bán sản phẩm chức năng. Loại nấm linh chi nguyên cây thường được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì có thể tùy chọn chế biến theo mục đích và yêu cầu sử dụng. Tuy nhiên, nấm linh chi nguyên chiếc cần được phải có cách sơ chế phù hợp thì mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng.
Dưới đây, bTaskee sẽ giới thiệu tới bạn 2 cách sơ chế nấm linh chi phổ biến nhất là: phương pháp thái lát và phương pháp tán bột.
Sơ chế nấm linh chi bằng phương pháp thái lát
Dù là với mục đích sử dụng nào thì trước khi chế biến bạn cũng cần thái lát nấm linh chi trước để dễ chế biến và có liều lượng sử dụng phù hợp. Nấm linh chi rất cứng nên bạn cần sử dụng các loại dao chuyên dụng để xắt nấm. Thớt dùng để thái cần phải là thớt gỗ chắc để không bị trượt, lệch khi cắt.
Thái nấm linh chi theo hướng thẳng đứng với độ dày khoảng 0,2mm. Đây là cách sơ chế nấm linh chi phù hợp để thuận tiện cho việc nấu nước và chế biến các loại món ăn.
Sơ chế nấm linh chi bằng phương pháp tán bột
Nếu bạn lo ngại các gói bột nấm linh bị trộn với những nguyên liệu khác, bạn có thể mua nấm linh chi nguyên chiếc để nghiền thành bột mịn và sử dụng.
Để quá trình nghiền bột nấm linh chi được dễ dàng bạn có thể cắt lát mỏng trước. Như đã nói ở trên, nấm linh chi rất cứng và chắc nên máy xay thông thường không thể dùng được vì có thể gãy lưỡi dao. Nên dùng các loại máy xay chuyên dụng hoặc tìm đến các cửa hàng có xay thuê.
Nên nghiền nấm linh chi thành bột mịn. Bột nấm linh chi có thể dùng pha trà, làm mặt nạ dưỡng nhan cho các chị em phụ nữ.
Cách ngâm rượu nấm linh chi
Chuẩn bị nguyên liệu
Nấm Linh Chi ngâm rượu nếp với long nhãn:
- 100g nấm linh chi tươi
- 10g táo tàu
- 20 táo đỏ
- 100g long nhãn
- 1 lít rượu
- 1 bình thủy tinh
Nấm Linh Chi ngâm rượu với tam thất và đẳng sâm:
- 30g nấm linh chi
- 15g đẳng sâm
- 10g tam thất
- 500ml rượu trắng
- 1 bình thủy tinh
Nấm Linh Chi ngâm rượu với nhân sâm:
- 75g nấm linh chi
- 25g nhân sâm
- 250ml rượu nếp
- 150g đường phèn
- 1 bình thủy tinh
Cách làm
Về cơ bản, cách ngâm rượu nấm linh chi là như nhau. Lấy 200g nấm linh chi khô (để nguyên hoặc cắt lát đều được) ngâm với 2 lít rượu (39 độ). Giữ nguyên trong vòng 30 ngày là dùng được. Rượu ngâm nấm linh chi chuẩn sẽ có mùi thơm dịu, rượu sánh và có màu vàng đậm.
Nấm linh chi ngâm rượu để càng lâu càng tốt và bạn có thể sử dụng sau bữa ăn tối, mỗi lần uống từ 1 đến 2 ly.
Cách sử dụng nấm linh chi nấu các món ăn
Nếu biết cách sử dụng nấm linh chi hiệu quả, cơ thể bạn có thể thụ hưởng tuyệt đối các dưỡng chất. Trong đó, khá phổ biến là các món ăn từ nấm linh chi:
Linh chi đại bổ tửu
Nguyên liệu
Nguyên liệu | Số lượng |
Linh chi | 40g |
Đại táo | 10 quả |
Long nhãn | 40g |
Tảo đỏ | 20 quả |
Rượu nếp | 2 lít |
Chế biến
Nấm linh chi cắt lát. Các nguyên liệu khác rửa sạch, để ráo. Cho tất cả các nguyên liệu ngâm trong rượu nếp, đậy nắp, để nơi thoáng mát. Sau 2 tuần thì dùng. Có thể dùng một ly vào buổi sáng, chiều.
Tác dụng
Bổ ích nội tạng. tăng cường thể lực. Bồi bổ người suy nhược cơ thể, điều trị mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Chè linh chi trứng cút
Nguyên liệu
Nguyên liệu | Số lượng |
Linh chi | 40g |
Trứng cút | 20 quả |
Tảo đỏ | 20 quả |
Đường phèn | Tùy chỉnh |
Cách làm
Trứng cút luộc chín bỏ vỏ. Các nguyên liệu khác rửa sạch, để ráo. Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi đun với 1 lít nước. Sau khi nước sôi với lửa lớn, chuyển lửa nhỏ lại và nấu thêm 1 giờ đồng hồ. Cuối cùng cho thêm đường phèn vừa đủ và đun thêm giây lát rồi dùng.
Tác dụng
Bổ máu, dưỡng nhan. dùng một thời gian sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt về nhan sắc, vóc dáng.
Linh chi nấu rùa
Nguyên liệu
Nguyên liệu | Số lượng |
Linh chi | 40g |
Rùa | 1 con |
Đại táo | 10 quả |
Chế biến
Rùa làm sạch. Nấm linh chi cắt lát, đại táo rửa sạch để ráo. Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi đun với nước vừa đủ. Nấu trong 1 giờ.
Tác dụng
Bổ huyết, thanh nhiệt, giảm mỡ, giảm chứng suy giảm bạch cầu sau điều trị ung thư.
Canh gà linh chi hạt sen
Nguyên liệu
Nguyên liệu | Số lượng |
Linh chi | 20g |
Hạt sen | 50g |
Vỏ quýt | ¼ vỏ |
Gà | 1 con |
Chế biến
Cắt nhỏ linh chi, gà làm sạch. Các nguyên liệu khác rửa sạch, để ráo. Cho tất cả các nguyên liệu vào nổi, đổ nước vừa đủ.
Tác dụng
Bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, chữa tỳ vị hư nhược, khí huyết không đều.
Lưu ý khi sử dụng nấm linh chi
Tác dụng phụ
Cũng giống như các loại dược phẩm khác, nấm linh chi cũng có những tác dụng phụ không mong muốn như:
- Nấm linh chi được sử dụng ở dạng bột có thể có tác động xấu đến gan
- Gây khô miệng, cổ họng và vùng mũi bị ngứa, đau bụng, chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu
- Nấm linh chi được ngâm với rượu có thể gây phát ban da
- Có thể gây dị ứng nếu hít phải bào tử nấm linh chi
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ của vị thuốc này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu
- Có thai hoặc cho con bú
- Đang dùng bất kỳ loại thuốc nào
- Dị ứng với bất kì thành phần nào của thảo dược hoặc các loại dị ứng liên quan tới thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, động vật,…
- Có bất kỳ bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng sức khỏe nào khác
Không còn băn khoăn gì nữa, nấm linh chi đích thị là loại thảo dược quý hiếm mà bạn có thể sử dụng hằng ngày để hỗ trợ và điều trị các bệnh lý nguy hiểm.
Hi vọng với những thông tin về công dụng, cách sử dụng nấm linh chi mà bTaskee đã chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn có cái nhìn chuyên sâu hơn về loại nấm này, đồng thời có kế hoạch sử dụng điều độ để cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống.