Tôm biển là một loại thực phẩm phổ biến và quá quen thuộc trong mỗi gia đình. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi, có các loại tôm biển nào, giá trị dinh dưỡng và giá thành của từng loại ra sao hay chưa?
Tôm được xem là một trong những hải sản tươi ngon, có nhiều dinh dưỡng và rất được ưa chuộng. Chúng ta có nhiều cách để chế biến món ngon từ các loại tôm biển như rang, xóc tỏi, hấp, luộc, kho,… Thông thường, ở các chợ hay siêu thị, chúng ta vẫn thường thấy phổ biến nhất chính là tôm bạc, tôm sú,… Tuy nhiên, bên cạnh những loại tôm phổ biến ấy thì còn có rất nhiều các loại tôm biển khác cũng ngon không kém. bTaskee sẽ giúp bạn nhận biết, phân biệt các loại tôm ấy cũng như tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng, giá thành của từng loại nhé.
1. Các loại tôm biển
1.1 Tôm sú
– Cách nhận diện:
Tôm sú là một trong các loại tôm biển phổ biến nhất. Tôm có kích thước lớn với chiều dài tối đa có thể lên đến 36cm. Đặc biệt, trọng lượng của tôm có thể đạt đến hơn 600 gram. Lớp vỏ của tôm sú dày, có thể có màu xanh, xám, nâu hoặc đỏ, tùy thuộc vào môi trường sống khác nhau.
– Giá trị dinh dưỡng:
Tôm sú chứa nhiều protein nên rất thích hợp để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài ra, trong tôm sú có chứa hàm lượng canxi cao, giàu các loại vitamin và nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như natri, kẽm,… Lượng đạm của tôm sú biển được cho là cao hơn thịt nạc gấp 20%. Còn lượng vitamin A trong tôm sú biển cũng cao gấp 40% so với thịt nạc.
– Giá thành ở thời điểm hiện tại:
Thị trường tôm sú hiện nay có giá khoảng 170.000 – 180.000 kg.
1.2 Tôm he
– Cách nhận diện:
Bề ngoài của tôm he có dạng thuôn dài với đuôi hơi ngả màu xanh. Đặc biệt, loại tôm này khi chín thường có một màu đỏ hồng rất tươi, đẹp mắt nên hay được lựa chọn cho các bữa tiệc.
– Giá trị dinh dưỡng:
Cũng như các loại tôm biển khác, tôm he cũng chứa hàm lượng protein và các khoáng chất quan trọng để cung cấp cho cơ thể như canxi, natri,… Tôm he cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng cho cơ thể. Ngoài ra, tôm he còn chứa vitamin B12, omega3,…
– Giá thành ở thời điểm hiện tại:
Nếu mua tôm he tươi sống thì giá thành dao động khoảng từ 400.000 – 600.000 đồng/kg. Còn với tôm he được đông lạnh bán trong các siêu thị, cửa hàng thì có giá thấp hơn, khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng/kg.
1.3 Tôm sắt
– Cách nhận diện:
Trong các loại tôm biển thì tôm sắt có cách nhận diện rất dễ bởi vì nó có phần vỏ rất cứng. Lưng tôm có màu xanh đen với trắng xen kẽ nhau. Bụng tôm lại có màu đỏ cam.
– Giá trị dinh dưỡng:
Tôm sắt chứa nhiều canxi, đạm, cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Loại hải sản này có chứa nhiều vitamin B12, là một vitamin quan trọng để thực hiện quá trình phân chia tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, các nghiên cứu cho biết, trong tôm sắt chứa hàm lượng selen có tác dụng rất tốt đối với cơ thể, nó giúp bảo vệ và hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể rất hiệu quả.
– Giá thành ở thời điểm hiện tại:
Mỗi kilogam tôm sắt ở thời điểm hiện tại có giá khoảng từ 130.000 – 190.000 đồng.
1.4 Tôm bạc
– Cách nhận diện:
Kích thước mỗi con tôm bạc khoảng một ngón tay cái người lớn. Màu sắc của tôm là màu bạc có đốm xanh hoặc đen. Rau và đuôi tôm màu xanh lục nhạt hoặc màu đỏ. Mỗi con tôm bạc có trọng lượng khoảng 0,13 gram và chiều dài từ 13 – 15 cm.
– Giá trị dinh dưỡng:
Tôm bạc có hàm lượng đạm cao, lượng canxi trong tôm cũng cao khoảng 910mg trong 100gram tôm. Tác dụng đối với cơ thể là giúp giảm mỡ máu, đồng thời hỗ trợ quá trình chữa lành các bệnh ngoài da nhanh chóng.
– Giá thành ở thời điểm hiện tại:
Hiện nay, tôm bạc biển kích cỡ 10 – 15 con/kg có giá khoảng 450.000 đồng.
1.5 Tôm càng biển
– Cách nhận diện:
Một trong các loại tôm biển được nhiều người yêu thích chính là tôm càng biển. Tôm có phần thân trên màu đỏ tươi, phía thân dưới có màu hơi trắng đục. Điểm nhận dạng lớn nhất là ở hai càng của tôm ở phía trước, mỗi càng dài khoảng 8 – 12 cm.
– Giá trị dinh dưỡng:
Hầu hết các loại tôm ở biển đều có lượng protein cao, cung cấp nhiều dưỡng chất. Tôm càng biển cũng như vậy. Nó chứa nhiều năng lượng, chất béo, natri,… là những chất quan trọng cần thiết cho cơ thể.
– Giá thành ở thời điểm hiện tại:
Giá tôm càng biển rơi vào khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg.
1.6 Tôm hùm
– Cách nhận diện:
Tôm hùm có kích thước lớn, phần râu dài, đầu to, thịt nhiều. Hiện nay có 4 loại tôm hùm phổ biến nhất là tôm hùm baby, tôm hùm sao, tôm hùm tre và tôm hùm xanh. Cách chọn tôm hùm ngon là lựa những con còn sống, râu và mắt tinh, không lờ đờ.
– Giá trị dinh dưỡng:
Tôm hùm là loại hải sản có nguồn dinh dưỡng dồi dào, chứa nhiều protein và các chất khác như đồng, kẽm, photpho, magie, vitamin E, B12 cùng axit béo Omega3. Cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, mỗi phần tôm hùm nấu chín khoảng 145 gram có chứa tới 129 calo, 27,55 gram protein và 1,25 gram chất béo.
– Giá thành ở thời điểm hiện tại:
Trong các loại tôm biển thì có lẽ tôm hùm là loại có giá cao nhất, do đó người ta thường cho rằng đây là thực phẩm xa xỉ, đắt đỏ. Mỗi kg tôm hùm có giá khoảng 700.000 – hơn 1.000.000 đồng. Thậm chí có những loại tôm hùm biển có giá đắt hơn rất nhiều.
1.7 Tôm tít
– Cách nhận diện:
Tôm tít còn có tên gọi khác là bề bề. Hình dáng của tôm hơi giống con tít – tức con rết, do đó mà người ta gọi loại tôm này là tôm tít. Lưng tôm dài, nhiều đốt và có màu trắng đục, pha xám tím nhạt.
– Giá trị dinh dưỡng:
Tôm tít có giá trị dinh dưỡng cao. Mỗi 100 gram tôm tít có tới 60% đạm. Sử dụng 100 gram tôm tít sẽ giúp cung cấp cho cơ thể đến 290Kcal, các loại vitamin A, B1, sắt, Omega3 và Omega6.
– Giá thành ở thời điểm hiện tại:
Tùy vào kích cỡ con tôm lớn hay bé mà giá thành sẽ khác nhau. Với loại tôm có kích cỡ từ 8 -10 con/kg thì có giá khoảng trên dưới 1.000.000 đồng. Riêng tôm tít có kích cỡ lớn, chi 4 – 6 con/kg thì giá cao hơn, trên 1.600.000 đồng. Tùy nhu cầu và sở thích, mỗi người sẽ có một cách chọn tôm tít ngon, theo những kích cỡ khác nhau.
2. Lưu ý để chọn các loại tôm biển ngon
Lựa chọn các loại tôm biển làm sao đúng cách để lựa được tôm ngon mà không bị trúng tôm ươn, hỏng? Đó là câu hỏi chung của rất nhiều chị em nội trợ. bTaskee sẽ hướng dẫn các bạn một số mẹo nhỏ khi lựa tôm biển để mua được tôm ngon.
2.1 Chọn những con tôm còn tươi sống
Nên chọn tôm đang còn tươi, cầm vào thấy cứng, chắc tay. Mình tôm phải có độ cong vừa phải. Tránh những con tôm cầm vào thấy mềm, nhão hoặc có chân màu đen vì đó là những con tôm đã để lâu, không còn tươi ngon.
2.2 Chọn tôm biển, tránh tôm nuôi
Tôm biển là tôm đánh bắt trong tự nhiên nên có giá trị dinh dưỡng cao, độ ngon ngọt cũng cao hơn tôm nuôi. Do đó mà giá thành nó cao hơn và người bán thường lợi dụng điểm này để đánh tráo, qua mắt những người không biết phân biệt. Hiện nay, tôm nuôi được bán trên thị trường có đến gần 90% là tôm sú. Do đó, không khó để phân biệt tôm nuôi và tôm biển. Chỉ cần dựa vào đặc điểm nhận dạng của các loại tôm biển như đã nêu ở phần trên. Chẳng hạn, phân biệt tôm sú biển và tôm sú nuôi thì tôm sú biển có kích thước to hơn, vỏ cứng hơn. Tôm he biển thì thường có màu trắng đục, còn tôm sắt biển thì vỏ cứng, phần thân trên hơi đỏ,…
2.3 Lưu ý khi chọn các loại tôm biển đã qua chế biến
Tôm đã được chế biến sẽ khiến bạn khó kiểm tra độ tươi sống của nó. Vậy thì hãy kiểm tra phần đuôi và vỏ của tôm. Nếu đuôi sáng màu, vỏ cứng, bóng thì tôm tươi ngon. Bên cạnh đó, có thể lựa tôm bằng cách kiểm tra phần vỏ và thịt tôm có còn dính sát nhau không. Nếu giữa lớp vỏ và thịt rời xa nhau thì tôm đã chế biến lâu hoặc đã qua đông lạnh, không còn ngon nữa.
Với cách nhận diện, giá trị dinh dưỡng và giá thành của các loại tôm biển như trên, hi vọng bạn sẽ biết cách phân biệt, lựa chọn tôm ngon, tươi sống để chế biến và chiêu đãi cả gia đình những bữa ăn thật ngon, an toàn và giàu dinh dưỡng.