Viêm phổi ở trẻ em: những điều nên biết

trẻ bị viêm phổi (Ảnh:benhvienanviet.com)

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng viêm phổi là bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Cứ 20 giây lại có 1 trẻ chết vì bệnh viêm phổi, và tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển.

Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng cấp tính các túi khí nhỏ được gọi là phế nang ở hai bên thùy của phổi (thùy trái, thùy phải), ống phế nang, các tổ chức kẽ của phổi hoặc toàn bộ phổi.

Viêm phổi là tình trạng viêm những phế nang trong phổi (Ảnh: dungcuykhoakimminh.com)

Khi phổi bị nhiễm bệnh, các túi khí (phế nang) bị tổn thương khiến dưỡng khí cung cấp vào máu không đủ, gây ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan và vùng đầu tiên bị ảnh hưởng là não bộ.

Bệnh viêm phổi thường đến sau khi trẻ bị một cơn ho hoặc cảm cúm dài ngày. Lúc này, trong phổi sẽ xuất hiện một số dịch nhầy và đây là môi trường cho vi trùng gây viêm phổi sinh sôi. Sau một thời gian ngắn, vi trùng sẽ phát triển nhanh, làm cho các phế nang chứa đầy mủ và các chất nhầy nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gián tiếp gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ, trẻ bị viêm phổi có thể vì sự thay đổi đột ngột của khí hậu, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh hoặc do tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.

Dưới đây là 3 nguyên nhân chính trực tiếp gây bệnh cho trẻ:

  • Vi khuẩn

S. Pneumoniae (phế cầu khuẩn), H. Influenzae type B, S. Aureus (tụ cầu khuẩn) và K. Pneumoniae (khuẩn nhiễm trùng) là 4 loại vi khuẩn thường gặp gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ.

S. Pneumoniae (phế cầu khuẩn) là vi khuẩn hàng đầu gây ra viêm phổi ở trẻ nhỏ (Ảnh: visinhyhoc.net)

Trong đó, S. Pneumoniae là nguyên nhân chính gây ra từ 30% – 50% trường hợp viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ, H. Influenzae type B đứng thứ hai với 10% – 30% và tiếp theo là S. Aureus và K. Pneumoniae.

Ngoài 4 loại vi khuẩn nêu trên thì M. Pneumonia, Liên cầu B, Mycoplasma cũng là 3 loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • Virus

Theo các nghiên cứu của các trung tâm y tế lớn, trên thế giới có khoảng 15% – 40% trẻ mắc viêm phổi do virus.

Virus phổ biến gây bệnh là virus hợp bào đường hô hấp (hay còn gọi là RSV), sau đó là virus cúm A, B, á cúm và Metapneumovirus. Những loại virus này sau khi đi vào cơ thể trẻ sẽ làm trẻ viêm nhiễm đường hô hấp và kéo theo nguy cơ viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời.

  • Ký sinh trùng và nấm

Trẻ bị viêm phổi do nhiễm kí sinh trùng Histoplasmosis Toxoplasmosis và nấm Candida là những trường hợp khá hiếm gặp. Tuy nhiên, hai tác nhân này rất dễ làm trẻ mắc viêm phổi nếu chúng có môi trường thuận lợi để phát triển. Bệnh viêm phổi do ký sinh trùng và nấm xảy ra khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, hít phải bào tử nấm hoặc do nhiễm trùng tiềm ẩn gây ra.

Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị viêm phổi là sốt, ho, nhịp thở nhanh. Nếu nặng hơn trẻ có thể kèm theo cả nôn mửa và khó thở. Dựa vào từng nguyên nhân gây bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện bệnh lý khác nhau:

  • Triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn

Triệu chứng đầu tiên khi trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn là cảm nặng, sau đó sốt cao từ khoảng 39 đến 40 độ, ho khan, vã mồ hôi… tình trạng này xảy ra sau 1 đến 2 giờ khi trẻ bị bệnh.

Sốt cao là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị bệnh viêm phổi (Ảnh: conlatatca.vn)

Nếu không kịp thời điều trị, sang đến ngày thứ 2 trẻ sẽ rất mệt, ho có máu do chảy máu ở các phế nang, thở nhanh và nông.

  • Triệu chứng viêm phổi do virus

Bệnh viêm phổi do virus ít nghiêm trọng hơn so với viêm phổi do vi khuẩn. Triệu chứng đầu tiên thường gặp rất giống với các triệu chứng của bệnh cảm cúm: đau đầu, ho, sốt, đau cơ kèm theo mệt mỏi toàn thân.

Viêm phổi do virus gây ra có những triệu chứng khá giống với cảm cúm thông thường (Ảnh: vietnammoi.vn)

Chính vì các triệu chứng này khá giống với triệu chứng bệnh cảm cúm nên khá nhiều phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đến các trung tâm y tế sớm, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc. Viêm phổi do virus nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn, khiến bệnh tình khó điều trị và để lại những di chứng về sau.

  • Triệu chứng viêm phổi do ký sinh trùng và nấm

Viêm phổi do nhiễm ký sinh trùng và nấm ở trẻ em rất khó chẩn đoán. Những triệu chứng phổ biến thường gặp khi trẻ bị viêm phổi do ký sinh trùng và nấm là sốt dai dẳng nhiều ngày, ho khan, khó thở, sung huyết trên da và các vùng niêm mạc. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, trẻ có thể bị tổn thương da, gan, thận, viêm màng não, nhiễm trùng hệ thống ảnh hưởng đến não và tủy sống.

Cách điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ

Khi trẻ bị viêm phổi, tốt nhất phụ huynh nên cho trẻ đến khám tại các trung tâm y tế. Nếu trẻ chỉ mới bị nhiễm bệnh, bác sĩ sẽ kê toa thuốc và cho trẻ điều trị tại nhà dưới sự chăm sóc của cha mẹ và có thời gian thăm khám tại bệnh viện định kì.

Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ trẻ bị viêm phổi (Ảnh: conlatatca.vn)
  • Cho trẻ uống kháng sinh theo chỉ định bác sĩ

Tùy vào độ tuổi, tình trạng bệnh tình, thể tạng… mà bác sĩ sẽ cho trẻ uống kháng sinh theo đúng liều lượng. Khi được bác sĩ cho toa thuốc, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc đúng giờ và đủ liều. Các bậc cha mẹ nên lưu ý không nên tự ý ngưng dùng thuốc khi trẻ đỡ bệnh hoặc tự ý gia tăng liều lượng thuốc cho trẻ uống.

  • Tăng cường cho trẻ bú, ăn

Khi trẻ bệnh, cần bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ để trẻ đủ sức chống lại bệnh, các mẹ nên chia nhỏ khẩu phần ăn và đổi món liên tục để cho trẻ không ngấy. Đồng thời, khi trẻ khỏi bệnh, cha mẹ cũng cần bồi bổ thêm cho trẻ để trẻ mau khỏe. Khi bị bệnh viêm phổi trẻ sẽ hay sốt và ho rất nhiều nên cha mẹ cần tăng cường cho trẻ uống nước để làm loãng đàm, dịu họng và tránh mất nước. Khi trẻ ho quá nhiều, phụ huynh có thể dùng những bài thuốc dân gian như chưng tắc (quất) với đường phèn, mật ong, gừng… cho trẻ uống. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng thuốc ho.

  • Tái khám

Nên đưa trẻ tái khám đúng hẹn và định kì để bệnh của trẻ không trở nặng.

Nếu tình trạng bệnh của trẻ không khả quan, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các trung tâm ý tế gần nhất để các bác sĩ có hướng điều trị thích hợp.

Thư Lê: