dịch cúm ah1n1

Cúm A/H1N1 và những điều cần biết

Những ngày gần đây, người dân miền Tây đang phải ứng phó với sự bùng nổ của dịch cúm A/H1N1. Đáng báo động hơn cả là dịch cúm A/H1N1 đã dẫn đến những trường hợp tử vong và ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm cúm. Vậy cúm A/H1N1 là gì và làm sao để tránh cho bản thân và gia đình khỏi bệnh dịch này? Cùng bTaskee tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Cúm A/H1N1 là gì?

Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang… tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo dịch ở cấp độ 6, cấp độ cao nhất và là đại dịch trên quy mô toàn cầu.

cúm a/h1n1
Loại virus này đặc biệt này có thể sống lâu trong môi trường nước (Ảnh: giadinh.vn)

Con đường lây nhiễm

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ…

Triệu chứng cúm A/H1N1

Triệu chứng bệnh cúm A/H1N1 giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Giống như cúm mùa, cúm A/H1N1 mới cũng gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp X-quang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong.

cúm a/h1n1
Triệu chứng bệnh cúm A/H1N1 giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ (Ảnh: kenh14.vn)

Khi nào thì nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1?

Những người sống trong vùng có dịch hay có đến vùng có dịch cúm A/H1N1 đang lưu hành trong vòng 7 ngày trước khi xuất hiện sốt hay có triệu chứng đau nhức mình, sổ mũi… cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm vi rút cúm A/H1N1 hay không. Lưu ý là thời gian rời từ vùng có dịch chỉ trong 7 ngày và cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.

Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H1N1?

Khi nghi ngờ bị cúm nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoại trừ đi khám bệnh. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm phát hiện cúm A/H1N1. Hiện nay để xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được làm phết mũi họng, các bệnh phẩm lấy được sẽ chuyển đến các phòng xét nghiệm và thực hiện kỹ thuật PCR tìm ra vi rút này.

Điều trị cúm A/H1N1

Nguyên tắc chung khi các bác sĩ áp dụng điều trị H1N1 bao gồm:

Cách ly hoặc bệnh nhân tự chủ động cách ly trong trường hợp phát hiện ra có những biểu hiện của cúm H1N1 như: sốt, đau viêm họng, họng có đờm, đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy. Thời gian cách ly là  7 ngày kể từ khi nhiễm bệnh.

Nếu bệnh có những biểu hiện nhẹ thì dùng thuốc kháng virus đơn độc hoặc kết hợp, dùng các loại thuốc này cho cả những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và có sốt.

Sử dụng phương pháp điều trị hỗ trợ đối với những người bị nặng, có thể yêu cầu bệnh viện tuyến trên giúp đỡ với những trường hợp này.

cúm a/h1n1
Cách ly hoặc bệnh nhân là một trong những biện pháp chống lây lan hiệu quả (Ảnh: plus.google.vn)

Phòng ngừa cúm A/H1N1

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, cách tốt nhất để phòng chống dịch cúm A/H1N1 là người dân cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành Y tế với các biện pháp: rửa tay sạch hằng ngày bằng xà phòng hoặc dung dịch nước sát khuẩn, giữ vệ sinh cá nhân thật tốt; khi ho, khạc cần lấy khăn che miệng, nếu có vấn đề về sức khỏe thì phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh. Người dân phải sử dụng khẩu trang đúng cách, không vứt khẩu trang bừa bãi, tránh tạo điều kiện phát tán dịch bệnh.

cúm a/h1n1
Rửa tay sạch hằng ngày bằng xà phòng hoặc dung dịch nước sát khuẩn sẽ giúp bạn tránh căn bệnh này (Ảnh: hellobacsi.com)

Cúm A/H1N1 đang là mối đe doạ nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng con người. Hãy lưu cho mình những thông tin hữu ích trên đây để bảo vệ gia đình trước dịch bệnh này. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ và vượt qua dịch cúm A/H1N1.

Bài đọc thêm

Cách phòng bệnh mùa hè cho trẻ em

Vệ sinh máy lạnh để phòng tránh bệnh cho gia đình

Nhấn chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích.

bTaskee luôn nỗ lực hoàn thiện để mang đến cho bạn những bài viết chất lượng.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Bài viết liên quan
app-banner-btaskee-vie